Luồng gió mới cho kinh tế tập thể

08:40 - Thứ Hai, 18/09/2017 Lượt xem: 6640 In bài viết
ĐBP - Thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh đã hình thành, góp phần đem lại hiệu quả bước đầu cho kinh tế HTX… Một trong những mục tiêu quan trọng của HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đó là tổ chức lại sản xuất cho người dân, đưa người dân vào tổ sản xuất để nâng cao trình độ cũng như nhận thức về thị trường.

Sau khi Luật HTX năm 2012 ban hành, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1433/QĐ - UBND ngày 14/11/2016 về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020; với mục tiêu phấn đấu, đến năm 2020 có khoảng 223 HTX (trong đó, 10 HTX điển hình); doanh thu bình quân của 1 HTX đạt hơn 1,8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 190 triệu đồng/HTX/năm... Căn cứ kế hoạch phát triển trong cả giai đoạn và từng năm; tình hình thực tế của địa phương, cuối năm 2016 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động dự kiến nhu cầu kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế HTX trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và phân bổ nguồn thực hiện. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nguồn lực từ phía sở, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương để thực hiện cho nhiều phần việc triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển HTX trong thời gian tới. Và để khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác quản lý các HTX, UBND tỉnh cũng đã gửi văn bản đề xuất với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX nông nghiệp năm 2018; hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp, tăng cường năng lực cho HTX nông nghiệp.

 

Ông Lò Văn Pâng, Giám đốc HTX Hồng Phước hướng dẫn xã viên chăm sóc, phát hiện sâu bệnh trên cây dong riềng.

Cụ thể hóa nội dung Đề án Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng và ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức hội, đoàn thể về “Tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp” giai đoạn 2017 - 2020. Chương trình này được xem là hướng mở trong xây dựng và phát triển các mô hình HTX kiểu mới gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có quy mô; các mô hình liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua HTX. Qua đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong việc tư vấn, hỗ trợ các nguồn lực, đề án, dự án cho HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ mới; xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, như: chế biến sản phẩm, quảng bá thương hiệu; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX...

Nhóm chính sách hỗ trợ về đất đai, chính sách tín dụng, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... cũng được tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX được thuê đất theo quy định. Khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên HTX thực hiện dồn điền đổi thửa, góp ruộng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện cơ giới hóa có hiệu quả và liên kết trong sản xuất kinh doanh, hướng tới sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Các HTX có dự án sản xuất kinh doanh khả thi được xét duyệt cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Tùy thuộc vào ngân sách địa phương, hàng năm tỉnh sẽ xem xét bổ sung cho Quỹ khi có nhu cầu; đồng thời giao Liên minh HTX tăng cường huy động vốn lồng ghép với các nguồn khác, vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tăng thêm nguồn vốn cho Quỹ nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của các HTX...

Xác định lộ trình thực hiện và các nhóm giải pháp hỗ trợ cần triển khai thực hiện; trong năm 2017, tỉnh sẽ hỗ trợ 4 HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao và cho thuê đất đối với 6 HTX; hỗ trợ 9 HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại; đăng ký nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa cho HTX sản xuất bánh đặc sản dân tộc Thái Điện Biên, HTX Nông sản hữu cơ Điện Biên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bản Mé và HTX rượu Mông Pê... Tập trung xây dựng mô hình HTX điển hình, tỉnh hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chú trọng phát triển HTX trong lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Riêng trong năm 2017 sẽ xây dựng 3 mô hình trình diễn về lĩnh vực nông nghiệp, đó là mô hình HTX sản xuất kinh doanh chế biến lúa gạo chất lượng cao ở huyện Điện Biên; mô hình HTX trồng dứa ở huyện Mường Chà và mô hình HTX chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ cung ứng giống gia cầm ở huyện Tủa Chùa...

Với lộ trình và kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; cùng với các giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực và sự nỗ lực đổi mới trong cơ chế sản xuất kinh doanh của các HTX; sẽ là động lực để các HTX phát triển, thực sự trở thành “bà đỡ” cho phát triển kinh tế hộ trên địa bàn trong thời gian tới. Từ 191 HTX đến nay toàn tỉnh có 126 HTX đang hoạt động, thu hút 10.773 thành viên sản xuất kinh doanh các lĩnh vực: nông - lâm - thủy sản; công - thương; sản xuất vật liệu xây dựng và lĩnh vực vận tải. Năm 2016, tổng doanh thu của các HTX đạt trên 100,243 tỷ đồng (tăng 78,2%); tổng lợi nhuận của HTX gần 6,4 tỷ đồng (tăng 70%); thu nhập bình quân của thành viên, lao động HTX là 21 triệu đồng/người/năm (tăng 50%) so với tháng 7/2013 - trước khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đóng góp của khu vực kinh kế HTX vào tổng sản phẩm địa phương và của nền kinh tế từng bước tăng lên và chiếm 0,54% tổng sản phẩm địa phương (tăng 50% so với tháng 7/2013) vào cuối năm 2016.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top