Không hoàn thành kế hoạch trồng cây phân tán năm 2017

08:49 - Thứ Hai, 18/09/2017 Lượt xem: 7551 In bài viết
ĐBP - Năm 2017, UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì triển khai chương trình trồng cây phân tán với quy mô 1 triệu cây. Tuy nhiên, đến nay mùa trồng rừng đã kết thúc, toàn tỉnh mới trồng được 485.110 cây, đạt 48,5% kế hoạch giao.

Đầu năm 2017, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc thành lập tổ công tác thực hiện chương trình trồng cây phân tán và tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu về trồng cây phân tán năm 2017 đến các xã, phường, thị trấn. Sau đó, kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức họp dân, phổ biến về chương trình trồng cây phân tán; tổ chức cho người dân đăng ký diện tích trồng, số lượng và chủng loại cây tổng hợp gửi hạt kiểm lâm huyện. Trên cơ sở danh sách các xã đăng ký, tổ công tác các hạt kiểm lâm huyện đi kiểm tra, khảo sát về diện tích, địa điểm trồng cây để làm tờ trình gửi Chi cục Kiểm lâm. Giữa tháng 7/2017, Chi cục Kiểm lâm hợp đồng với các đơn vị cung ứng tiến hành cấp cây giống để các địa phương tổ chức trồng cây theo đúng kế hoạch và mùa vụ. Cơ cấu giống gồm: Keo, mỡ, lát hoa, sa mộc và cây ban. Đến nay, duy nhất huyện Nậm Pồ hoàn thành 100% kế hoạch; 9/10 huyện, thị xã, thành phố còn lại đều không hoàn thành (thấp nhất là huyện Điện Biên thực hiện trồng 70.400 cây, đạt 24,67%).

 

Người dân bản Pú Tửu, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) tỉa cành vườn cây phân tán năm 2016.

Lý giải nguyên nhân kế hoạch trồng cây phân tán không đạt, bà Kiều Thị Hồng Oanh, Phó phòng Quản lý - Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Kế hoạch trồng cây phân tán năm 2017 không đạt, nguyên nhân do thiếu vốn; diện tích trồng cây nhỏ, manh mún, không có chi phí trồng giặm, hiệu quả thấp nên người dân không muốn đăng ký; chương trình không có kinh phí để hỗ trợ người dân từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ như các chương trình trồng rừng phòng hộ, rừng thay thế nên người dân không mặn mà... Nguồn vốn dự kiến dành cho chương trình trồng cây phân tán năm 2017 khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ mua 485.110 cây giống. Do đó, nếu các huyện, thị xã, thành phố có đăng ký trồng đạt 100% kế hoạch thì Chi cục cũng không đủ kinh phí để mua và cấp đủ cây giống cho người dân. Hơn nữa, nguồn vốn phân bổ chậm nên trong quá trình triển khai Chi cục phải ứng trước cây giống từ các đơn vị cung ứng để cấp phát cho người dân. Mùa trồng rừng đã kết thúc hơn 1 tháng mà nguồn vốn vẫn chưa được cấp. Hiện nay, Tổ công tác về chương trình trồng cây phân tán của Chi cục đang tiến hành kiểm tra, đánh giá tỷ lệ cây sống đối với những diện tích đã trồng.

Năm 2017, huyện Điện Biên được giao kế hoạch trồng 300.000 cây phân tán, là 1 trong 2 huyện được giao kế hoạch lớn nhất tỉnh. Theo ông Tô Quang Huyên, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, thì đơn vị đã thực hiện đúng, đủ các bước chương trình trồng cây phân tán theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm. Tuy nhiên, do từ những năm trước hiệu quả chương trình trồng cây phân tán đạt thấp nên một số xã không đăng ký, người dân cũng không mặn mà. Năm nay, huyện Điện Biên chỉ có 15/25 xã đăng ký, do đó số lượng cây đăng ký không đảm bảo kế hoạch. Đến 31/8, huyện đã hoàn thành trồng 100% số cây giống được cấp.

Ông Quàng Văn Toàn, đội 11, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) cho biết: Đến cuối tháng 8/2017, gia đình tôi đã hoàn thành trồng 3.000 cây keo, mỡ tại nương cũ đã bỏ hoang nhiều năm. Tuy nhiên, do không trông coi, bảo vệ thường xuyên nên bị gia súc vào phá, nhiều cây chết hẳn, một số bị cụt ngọn khả năng sống thấp. Sắp tới, khi đoàn công tác của xã, Hạt Kiểm lâm đi nghiệm thu, tôi sẽ kiến nghị xin cây giống để trồng giặm.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top