Ðể giảm nghèo bền vững

10:17 - Thứ Hai, 25/09/2017 Lượt xem: 6563 In bài viết
ĐBP - Theo số liệu của Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh, hết năm 2016, toàn tỉnh có 785 hộ tái nghèo, đồng thời phát sinh thêm 3.150 hộ nghèo. Ðiều đó cũng có nghĩa, bài toán giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh chưa thực sự có lời giải chính xác.

Giảm nghèo chưa bền vững

Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 44,82%, giảm 3,32% so với năm 2015. Tuy nhiên tình trạng thoát nghèo rồi tái nghèo vẫn tái diễn, chưa kể số hộ nghèo phát sinh mới. Ðáng chú ý, số hộ tái nghèo không chỉ tập trung ở các huyện 30a mà còn ở những địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như: huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ.

 

Ðoàn giám sát Ban dân tộc (HÐND tỉnh) giám sát việc hỗ trợ máy nông nghiệp theo Chương trình 135 tại xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa). Ảnh: Văn Tâm

Cụ thể, trong tổng số 785 hộ tái nghèo năm 2016 của cả tỉnh thì 5 huyện 30a (Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ) và 2 huyện được hưởng 70% cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng của Nghị quyết 30a (theo Quyết định số 293/QÐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ) là Mường Chà và Tuần Giáo đã có 659 hộ, chiếm tỷ lệ 83,94% số hộ tái nghèo toàn tỉnh. Trong 7 huyện này, Nậm Pồ là huyện có số hộ tái nghèo cao nhất (145 hộ), tiếp đến là Tủa Chùa (116 hộ), Mường Ảng (114 hộ). Song đáng chú ý hơn là việc TP. Ðiện Biên Phủ có số hộ tái nghèo cao thứ hai toàn tỉnh với 123 hộ, chỉ đứng sau huyện Nậm Pồ.

Ðánh giá theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh thì TP. Ðiện Biên Phủ được xem là “hiện tượng tái nghèo của năm 2016” với 123 hộ. Tuy nhiên, Nậm Pồ mới là địa phương đứng “đầu bảng” bởi mặc dù trong năm huyện đã có 570 hộ thoát nghèo nhưng lại phát sinh 666 hộ nghèo nên hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn ở mức 67,93%. Sau Nậm Pồ, những huyện có số hộ nghèo phát sinh nhiều trong năm 2016 là: Ðiện Biên (452 hộ), Mường Chà (420 hộ), Tuần Giáo (419), Ðiện Biên Ðông (381 hộ), Tủa Chùa (363 hộ), Mường Nhé (218 hộ)... Những con số “biết nói” này cho thấy việc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa bền vững.

Khó giảm nghèo khi thiếu nội lực

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, việc có tỷ lệ hộ nghèo còn cao không phải là điều khó hiểu. Song thực tế là năm 2016, tỷ lệ tái nghèo có sự gia tăng. Lý giải điều này, trước hết xét trên phương diện khách quan thì cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung, tỉnh ta nói riêng thường xuyên gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Ðiều đó được minh chứng trong năm 2016, ngoài tổn thất về người (4 người chết, 11 người bị thương) thì rét đậm, rét hại, giông lốc và mưa lũ đã gây thiệt hại gần 380 tỷ đồng. Năm 2017, tính đến ngày 17/8, ước toàn tỉnh bị thiệt hại trên 31 tỷ đồng do mưa lũ. Thực tế này làm cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ta bị rơi vào tình trạng “tiến hai lùi một”. Ðối với công tác giảm nghèo lại càng trắc trở hơn bởi một số trường hợp vừa thoát nghèo, thậm chí có hộ tiệm cận khá giả nhưng chỉ sau một cơn lũ dữ lại “về mo” - trắng tay và nghèo đói.

Ảnh hưởng do thiên tai là sự thật và bất khả kháng, tuy nhiên, có một nguyên nhân cần được nhìn nhận nghiêm túc là việc giảm nghèo thời gian qua vẫn chủ yếu dựa vào ngoại lực. Ðó là sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mà chưa thực sự khơi dậy, phát huy được nội lực của địa phương và người dân. Thiếu nội lực nên giảm nghèo không bền vững, dễ xảy ra thoát nghèo rồi lại tái nghèo!

Một vấn đề cần xem xét, đánh giá kỹ càng là việc phân bổ vốn đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo đã hợp lý chưa. Bởi thời gian qua, nguồn vốn ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng luôn lớn hơn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2016, vốn kế hoạch giao Chương trình 30a là 151,095 tỷ đồng thì đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã chiếm 104,2 tỷ đồng; vốn sự nghiệp có 46,895 tỷ đồng. Ðối với Chương trình 135, vốn kế hoạch giao 128,860 tỷ đồng; trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng 94,680 tỷ đồng; duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư 3,730 tỷ đồng còn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất là 30,450 tỷ đồng. Cần phải khẳng định rằng, ưu tiên vốn xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện giảm nghèo bền vững. Song chúng ta cần quan tâm vấn đề: Hạ tầng được đầu tư kiên cố nhưng tác dụng, hiệu quả đến đâu nếu như không có nội lực để phát huy? Kiểu như xây công trình thủy lợi nhưng thiếu đất sản xuất, thiếu giống cây trồng, hay hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm nhưng trong nhà trống không, chả có tài sản gì đáng kể thì bao giờ mới thoát nghèo chứ chưa nói đến giảm nghèo bền vững? Do vậy, cần phải tính toán cho hài hòa, phù hợp bài toán hỗ trợ đầu tư bởi nếu chỉ tập trung thay đổi diện mạo nông thôn (bằng việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật) mà chểnh mảng việc tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo thì kết quả giảm nghèo rất khó bền vững. Ðơn cử, sau một trận lũ ống, lũ quét công trình hạ tầng bị hư hỏng, cuốn trôi thì lại phải đầu tư vốn xây dựng lại (mà điều này thực tế đã xảy ra tại nhiều khu vực trong toàn tỉnh). Trong khi đối với hộ nghèo, vì thiếu sinh kế bền vững - nghĩa là thiếu nội lực nên khi hết họa thiên tai, người dân lại ngóng chờ cứu trợ!

Không làm thay người nghèo

Năm 2017, tỉnh ta đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,3%, trong đó 5 huyện nghèo giảm 4,12%. Có lẽ, hoàn thành chỉ tiêu này không khó, nhưng giảm bền vững, không tái nghèo mới là thách thức. Ðược biết, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ chuyển từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để người dân phát triển sản xuất. Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì người dân không làm được và giao cho địa phương thực hiện theo hướng giảm mạnh việc “cho không”. Ðể đạt hiệu quả thì chính quyền cơ sở phải tăng cường tiếp cận địa bàn, rà soát, phân loại hộ nghèo để có giải pháp cụ thể cho từng loại. Ðồng thời nâng cao ý thức phấn đấu thoát nghèo cho người nghèo. Thực tế thời gian qua cho thấy, một bộ phận người dân khi còn được hưởng chính sách của hộ nghèo là không muốn thoát nghèo để còn được hưởng hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy cần xây dựng chính sách hỗ trợ trong một thời gian nhất định nhằm xóa bỏ sự phụ thuộc, ỷ lại; chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ sinh kế là chủ yếu để người dân chủ động trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top