Nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững

09:50 - Thứ Tư, 11/10/2017 Lượt xem: 6233 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, ngành nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Việc chính quyền địa phương, ngành chức năng tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tăng cường đầu tư cải tạo hệ thống ao, hồ, cải tạo dòng chảy nhằm tiêu úng đã tạo động lực cho nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô nuôi thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Phát triển thủy sản đã từng bước đóng góp nguồn thu khá trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ðến nay, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 2.170,3ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2.526,66 tấn; sản xuất và cung ứng khoảng gần 33 triệu cá hương, cá giống các loại. Ðối tượng, hình thức nuôi cho hiệu quả kinh tế cao được áp dụng và phát triển, đặc biệt nuôi cá rô phi đơn tính trong ao và nuôi lồng bè trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phát triển mạnh, tập trung ở vùng lòng chảo Ðiện Biên. Các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá tầm, lăng chấm, chiên, lóc bông, trê lai, tôm, lươn, ếch, ba ba... ngày càng được nhiều hộ dân đầu tư nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì năng suất nuôi thủy sản tỉnh ta có tăng qua các năm song còn thấp so với một số tỉnh trong khu vực; hoạt động sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo ra sản lượng lớn mang tính hàng hóa; phương thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh và quảng canh cải tiến (chiếm gần 70%), còn lại là nuôi bán thâm canh và thâm canh, thị trường tiêu thụ hạn chế. Phần lớn các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn xanh tự nhiên và các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn. Hệ thống cấp, thoát nước cho cơ sở nuôi thủy sản phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống cấp tiêu của nông nghiệp từ các công trình thủy lợi, hồ chứa nước và các khe suối nên gặp khó khăn trong việc cải tạo và thực hiện quy trình phòng bệnh cho thủy sản.

Theo thống kê, hiện nay huyện Ðiện Biên có diện tích nuôi thủy sản nhiều nhất với 1.268,69ha, sản lượng ước đạt 1.200 tấn. Huyện Ðiện Biên là địa bàn có lợi thế về hệ thống ao, hồ, giao thông thuận lợi phù hợp cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản với các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nuôi cá ao với các đối tượng truyền thống tiếp tục phát triển ổn định góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, gia tăng thu nhập cho nông dân. Huyện hiện có 9 hồ chứa thủy lợi lớn có thể triển khai nuôi mặt nước và nuôi lồng bè. Một số hộ gia đình bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên nhiều đối tượng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú ý phòng bệnh cho các giống thủy sản, vệ sinh ao nuôi thường xuyên, tiến hành phơi ải, rắc vôi khử trùng sau mỗi vụ thu hoạch... đã góp phần nâng cao năng suất và đem lại giá trị kinh tế cho ngành nuôi thủy sản. Hiện nay Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang phối hợp với Viện Thủy sản tổ chức quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững hơn.

Hiện nay, nông dân trong toàn tỉnh đã tận dụng triệt để diện tích mặt nước tại các ao, hồ, khe suối để nuôi thuỷ sản với mục đích khác nhau, từ phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình đến tạo hàng hóa để bán. Ðể ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới, cơ quan chức năng định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, có hiệu quả và bền vững ở những nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn nước để tạo sản phẩm hàng hóa tập trung. Khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh, có năng suất, chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Xây dựng và áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi thủy sản lồng bè, phù hợp với điều kiện môi trường và kinh tế xã hội ở các hồ chứa. Tận dụng tối đa các loại hình mặt nước để nuôi thủy sản. Lựa chọn đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp, đẩy mạnh phát triển nuôi cá rô phi đơn tính và các đối tượng mới có năng suất, giá trị kinh tế cao để tạo hàng hóa. Ngành chức năng cần phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường nước, nuôi thả thủy sản theo các hình thức an toàn; tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá; khuyến khích chuyển đổi từ nuôi thả các giống cá truyền thống sang giống cá mới cho năng suất cao, tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ nhằm giảm chi phí.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top