Phát triển kinh tế hợp tác xã

Khó đủ đường

09:41 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 6326 In bài viết
Dù được xem giữ vai trò nòng cốt trong kinh tế tập thể, nhưng vì quá nhiều “rào cản” khiến các hợp tác xã (HTX) trong thời gian qua không thể bứt phá để phát triển. Mà ngược lại, một số hợp tác xã còn rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động chờ giải thể…

Khó “đầu ra”, chính sách

Thị trường hạn hẹp là nguyên nhân chủ yếu khiến các sản phẩm của HTX làm ra khó tiêu thụ, “đầu ra” không ổn định, hoạt động của nhiều HTX cầm chừng cũng vì lẽ đó. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong tổng số 200 HTX trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tới 68 HTX đang tạm ngừng hoạt động. Số HTX này thuộc đối tượng phải chuyển sang hình thức hoạt động khác hoặc phải thực hiện thủ tục giải thể do không hoạt động, hoạt động kém hiệu quả, không đảm bảo tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012.

 

Thành viên Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông (xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên) thu hoạch cá thương phẩm.

Bà Nguyễn Thị Vy, Phó trưởng phòng Tư vấn - hỗ trợ kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Các chính sách xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trong thời gian qua ít được thực hiện, do ngân sách Trung ương không bố trí, ngân sách địa phương hạn hẹp. Cụ thể, hơn 3 năm qua chỉ có 17 lượt HTX được hỗ trợ giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước với tổng số tiền hỗ trợ rất khiêm tốn (210 triệu đồng). Trong khi hầu hết các HTX mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ “đầu vào” của sản xuất, chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Vòng luẩn quẩn “không sản xuất thì thiếu, sản xuất thì thừa” đã và đang diễn ra; là nỗi lo và thực trạng chung ở hầu hết các HTX, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Trong khi số HTX hoạt động trong lĩnh vực này chiếm tới 60% và chiếm hơn 85% thành viên các HTX trong toàn tỉnh!

Mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, HTX Rau, củ, quả an toàn Thanh Ðông (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) đã liên kết sản xuất rau sạch với nông dân theo tiêu chuẩn VietGap sau khi tìm được “đơn” đặt hàng từ đơn vị đối tác. Nhiều sản phẩm của HTX có mặt ở Siêu thị Hoa Ba và Quầy hàng Rau củ quả sạch (Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green) trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ là vấn đề nan giải trong chiến lược mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của HTX. Ông Nguyễn Hữu Tân, Giám đốc HTX Rau củ quả an toàn Thanh Ðông, cho biết: Sản xuất rau quả theo đơn đặt hàng nên sản phẩm làm ra nhiều hay ít phụ thuộc vào đối tác. Rau xanh là mặt hàng khá đặc biệt, đến kỳ phải thu hoạch chứ không thể hãm cả tuần cả tháng. Và thu hoạch rồi cũng phải tiêu thụ trong thời gian nhất định chứ không thể để đó bán dần. Nếu bán lẻ tại các chợ cũng khó vì giá thành rau, củ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cao hơn rau, củ được sản xuất đại trà nên ít người mua. Vì vậy, diện tích trồng rau xanh, củ, quả tươi của thành viên HTX cũng chỉ khoảng 7ha và dù muốn mở rộng diện tích cũng khó vì không có “đầu ra”. Vì thế thu nhập của thành viên cũng thấp (trung bình từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng).

Quy định về tỷ lệ vốn góp của một thành viên HTX không vượt quá 20% tổng số vốn điều lệ theo Luật HTX năm 2012 đã gây cản trở trong việc huy động thêm vốn góp để HTX hoạt động. Việc quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ của HTX ra thị trường bên ngoài theo Nghị định 193 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật HTX năm 2012, như: Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà HTX, liên hiệp HTX cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, HTX thành viên cho khách hàng không phải thành viên do điều lệ HTX quy định cụ thể nhưng không được vượt quá 32% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX đối với lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; không quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX đối với lĩnh vực phi nông nghiệp... đã làm hạn chế quy mô sản xuất kinh doanh, doanh thu của HTX.

Thiếu vốn, yếu nghiệp vụ

Sau 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 đến thời điểm này số HTX tiếp cận được với các nguồn vốn trên rất hạn hẹp. Trong 200 HTX chỉ có khoảng 20 HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX với số tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng; 15 HTX tiếp cận được chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại với tổng số tiền hơn 11,4 tỷ đồng.

Huyện Ðiện Biên có 64 HTX, nhưng chỉ có 35 HTX đang hoạt động. Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên không khỏi trăn trở trước thực trạng, đa số các HTX trên địa bàn huyện đều rơi vào tình trạng thiếu vốn lưu động để quay vòng phục vụ sản xuất kinh doanh; trong khi các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX chưa đi vào thực tế, các HTX khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng mà nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản thế chấp. Trình độ năng lực quản lý của ban quản trị HTX còn yếu, thiếu, chưa qua đào tạo do đó chưa đáp ứng được yêu cầu trong kinh tế thị trường. Minh chứng cho điều đó là trong số 527 cán bộ quản lý, ngoài 56 người có trình độ sơ cấp, trung cấp; chỉ duy nhất 1 người có trình độ cao đẳng! Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, không riêng ở huyện Ðiện Biên mà đó cũng là thực trạng chung của các HTX trên địa bàn tỉnh; khi tỷ lệ cán bộ HTX qua đào tạo từ cao đẳng trở lên rất thấp (chiếm 4,38%).

Tại TX. Mường Lay, trong 10 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, chỉ có 4 HTX thường xuyên có hoạt động sản xuất kinh doanh; 6 HTX còn lại hoặc là ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, hoạt động mang tính hình thức. Nguyên nhân là do thiếu tư liệu sản xuất, chưa xây dựng được các phương án hoạt động, sản xuất kinh doanh khả thi. Chất lượng nguồn nhân lực đều trong tình trạng yếu kém khi có tới 6/10 HTX không có kế toán, không mở sổ sách, không cập nhật chứng từ kế toán theo quy định. Các thành viên dù tự chủ trong các “khâu” từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, song do quy mô nhỏ, vốn, tài sản ít nên khả năng cạnh tranh thấp.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top