Đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai gây nợ đọng

Cái khó bó... nguồn vốn

10:04 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 7259 In bài viết
ĐBP - Năm 2016, tỉnh ta bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Ðể hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1510/QÐ-UBND, ngày 6/12/2016 về việc phân bổ nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ và dự phòng ngân sách địa phương để khắc phục với tổng dự toán 45,605 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 10 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 35,605 tỷ đồng). Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chính quyền cấp huyện đã bố trí đầu tư dàn trải, vượt định mức, gây nợ đọng.

Quyết định 1510/QÐ-UBND của UBND tỉnh bổ sung dự toán cho các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 800 triệu đồng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch 200 triệu đồng, Giao thông - Vận tải 4 tỷ đồng; 10 huyện gồm: Tuần Giáo 8 tỷ đồng, Ðiện Biên 5 tỷ đồng, Mường Ảng 5 tỷ đồng, Ðiện Biên Ðông 4 tỷ đồng, Tủa Chùa 4 tỷ đồng, Mường Chà 4 tỷ đồng, Mường Nhé 3.605 tỷ đồng, Nậm Pồ 5 tỷ đồng, TP. Ðiện Biên Phủ 1 tỷ đồng và TX. Mường Lay 1 tỷ đồng. Quá trình triển khai thực hiện, một số huyện phân bổ và bố trí còn dàn trải nên xử lý khắc phục hậu quả thiên tai chưa dứt điểm hoặc thiếu vốn, gây nợ đọng, chưa đáp ứng theo mục tiêu của Quyết định 1510/QÐ-UBND của UBND tỉnh.

 

Ðiểm khắc phục sạt lở đất trên tuyến đường từ Trung tâm huyện - xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa).

Theo báo cáo số 1246/BC-SNN, ngày 30/6/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2016: Huyện Tủa Chùa được phân bổ 4 tỷ đồng nhưng đầu tư khắc phục 10 công trình với tổng mức đầu tư 14,217 tỷ đồng, vượt 10,217 tỷ đồng; được cấp 5 tỷ đồng nhưng huyện Nậm Pồ đầu tư khắc phục trên 11 đoạn, tuyến đường giao thông với tổng mức 14,117 tỷ đồng, vượt 9,117 tỷ đồng; tương tự, huyện Mường Chà đầu tư 3 danh mục công trình với tổng mức 6,466 tỷ đồng. Riêng huyện Mường Nhé, số  vốn được cấp phân bổ cho 5 công trình thủy lợi nhưng tại thời điểm kiểm tra, 5 công trình này chưa được phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và dự toán (trong đó: 3/5 công trình là: Thủy lợi Sen Thượng, xã Sen Thượng; thủy lợi Trạm Púng và Huổi Sái Lương, xã Quảng Lâm đã thi công xong chờ nghiệm thu), không có biên bản kiểm tra liên ngành xác định thiệt hại do thiên tai năm 2016. Ngoài ra một số biên bản kiểm tra liên ngành tại thời điểm tháng 3/2017 mà huyện Mường Nhé cung cấp là thời điểm mùa khô của năm 2017 không có cơ sở xác định khối lượng thiệt hại do mưa lũ năm 2016.

Tủa Chùa là một trong những huyện đầu tư vượt định mức và để phát sinh nợ đọng lớn nhất tỉnh. Hiện nay, tổng nguồn vốn nợ đọng của huyện là 7,057 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng mức đầu tư. Số tiền phát sinh nợ đọng là do huyện đầu tư cho 10 công trình, dự án sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2016, gồm: 6 công trình đường giao thông do Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện làm chủ đầu tư; 2 công trình nước sinh hoạt và 1 công trình thủy lợi do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; 1 công trình nâng cấp trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sín Chải do Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư. Ðến nay, 100% công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, song tất cả đều có điểm chung là mới được thanh toán  khoảng 50%, còn nợ đọng 50% vốn/công trình. Ðiển hình như 6 công trình do Phòng Kinh tế- Hạ tầng là chủ đầu tư có tổng mức 10,2 tỷ đồng nhưng đến nay, huyện mới bố trí thanh toán được 2,774 tỷ đồng, nợ đọng 7,43 tỷ đồng.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tủa Chùa cho biết: Sau mùa mưa hàng năm, thiệt hại về hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện rất lớn, cần nhu cầu vốn lớn để khắc phục, đảm bảo giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, nguồn vốn hàng năm tỉnh cấp rất hạn hẹn nên huyện phải tự cân đối ngân sách, giao bổ sung dự toán để đơn vị thực hiện việc khắc phục, đảm bảo giao thông. Trong quá trình thực hiện, huyện đã ưu tiên khắc phục các tuyến trọng yếu, còn các tuyến chưa cấp bách và cần nhiều vốn thì để lại sau. Năm 2016, tuyến đường Tả Phìn - Ðề Chu bị sạt lở mất đường, giao thông tê liệt, cần nguồn vốn khoảng 7 tỷ đồng để khắc phục huyện không bố trí được vốn nên từ năm 2016 đến nay tuyến đường này vẫn nguyên hiện trạng. Ðối với vấn đề nợ đọng doanh nghiệp thi công, Phòng sẽ bố trí trả nợ trong vòng 2 - 3 năm tới.

Về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục thiên tai năm 2016 vượt định mức, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2016, UBND huyện Tủa Chùa ra quyết định phân bổ, bổ sung dự toán ngân sách năm 2016 cho các cơ quan, đơn vị với tổng số tiền 7,162 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh giao 4 tỷ đồng, nguồn dự phòng ngân sách huyện 2,664 tỷ đồng, nguồn đảm bảo xã hội năm 2016 là 189,9 triệu đồng và nguồn thu từ đấu giá đất 308,21 triệu đồng. Quá trình thực hiện, UBND huyện có khuyết điểm vì để xảy ra nợ đọng. Ðây là việc huyện không mong muốn, nhưng vì điều kiện thực tế cấp bách nên đành phải thực hiện và bố trí vốn trả nợ sau. Huyện Tủa Chùa cam kết sẽ bố trí trả hết số nợ đọng này trong khoảng 3 - 5 năm tới. Theo ông Bình, nguồn kinh phí dành để trả nợ dự kiến được trích từ nguồn ngân sách dự phòng huyện, nguồn thu trên địa bàn..

Hiện nay, tổng nợ đọng vốn đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai của huyện Nậm Pồ khoảng 3 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thái Hà, Trưởng phòng Tài chính - Ngân sách huyện Nậm Pồ: Khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2016, huyện Nậm Pồ đã sử dụng nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ, nguồn ngân sách dự phòng huyện và và các nguồn huy động hợp pháp khác để đầu tư sửa chữa, khắc phục 11 tuyến đường giao thông; tổng mức đầu tư 14,117 tỷ đồng. Ðây đều là những tuyến giao thông trọng yếu từ trung tâm các xã đến trung tâm huyện nên việc khắc phục thiệt hại là cấp bách nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân trên địa bàn. Quá trình thực hiện, huyện chưa bố trí được 100% nguồn vốn, để phát sinh nợ đọng nhưng huyện Nậm Pồ cam kết sẽ trả hết nợ trong 1 - 2 năm tới.

Theo giải thích của một số huyện thì việc phát sinh nợ đọng trong đầu tư, khắc phục thiệt hại mưa lũ năm 2016 là việc “cực chẳng đã”. Tuy nhiên, Ðiều 2, Quyết định 1510/QÐ-UBND ngày 6/12/2016 của UBND tỉnh quy định rõ: “Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí được tỉnh hỗ trợ, nguồn dự phòng ngân sách cấp mình và các nguồn huy động hợp pháp để khắc phục thiệt hại thiên tai trên địa bàn, ưu tiên các công trình cấp bách để khôi phục sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân; quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn vốn theo quy định hiện hành; không bố trí dàn trải, gây phát sinh nợ đọng”.

Nợ đọng trong xây dựng cơ bản sẽ là gánh nặng cho cấp huyện trong khi đều là huyện nghèo. Một trong những hệ lụy là việc hạn chế đầu tư xây dựng, sửa chữa một số công trình để dành tiền trả nợ. Nguồn kinh phí dự phòng ngân sách hàng năm, các huyện sẽ phải rất “căn cơ” trong tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Bài học điển hình là huyện Tuần Giáo năm 2015 đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai dàn trải gây nợ đọng trên 42 tỷ đồng khiến 2 năm gần đây huyện Tuần Giáo ít công trình khởi công mới, phần lớn nguồn thu trên địa bàn được dành để trả nợ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top