UBND tỉnh với công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp

10:52 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 7058 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 35), UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Một số kết quả bước đầu trong thực hiện Chương trình hành động đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, bất cập trong sản xuất, kinh doanh và phát triển...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.200 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 14.000 tỷ đồng; tổng số lao động được sử dụng tại các doanh nghiệp khoảng 44.000 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng... Ngay sau khi Nghị quyết số 35 có hiệu lực, để cụ thể hóa các nhiệm vụ Thủ tướng giao cho UBND tỉnh, ngày 23/6/2016, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện với các nhiệm vụ chủ yếu: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện cho phát triển doanh nghiệp; đảm bảo mọi doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; tạo bước chuyển biến toàn diện trong nhận thức của các cơ quan chức năng có liên quan về sự cần thiết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Điện Biên có 1.670 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động... Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); thường xuyên và nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Nhà máy Thuỷ điện Nậm Núa, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên được đầu tư xây dựng từ quý I/2015, công suất 10,8MW (gồm 2 tổ máy)  hoà vào lưới điện 110kV quốc gia, điện lượng trung bình hàng năm đạt 42,11 triệu kWh. Dự án có tổng mức đầu tư 395 tỷ đồng. Hoàn thành phát điện thương mại tháng 9/2017. Dự kiến Nhà máy khánh thành tháng 12/2017. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Thuỷ điện Nậm Núa kiểm tra kỹ thuật chuẩn bị phát điện cho 2 tổ máy H1 và H2.

Trong công tác CCHC trên địa bàn, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND các cấp xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, chuyển đổi tư duy từ "chính quyền quản lý" sang tư duy "chính quyền phục vụ" trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Do vậy, việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được đơn giản hóa các bước, giảm thiểu thời gian thực hiện so với trước: Rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2,5 ngày làm việc; giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 10 ngày; cấp giấy chứng nhận đầu tư tối đa không quá 20 ngày...  

Để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp những năm gần đây, UBND tỉnh tổ chức đối thoại doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm. Tại các buổi đối thoại, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cầu thị, UBND tỉnh cùng một số sở, ban, ngành tỉnh lắng nghe nhiều ý kiến, kiến nghị, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về chất lượng điều hành, tính năng động của lãnh đạo các cấp; những vướng mắc, hạn chế của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong quá trình hoạt động, phát triển, thụ hưởng ưu đãi thu hút đầu tư; tiếp nhận hỗ trợ sau đầu tư; nguyên nhân dẫn đến chi phí không chính thức; chậm trễ trong tiếp cận đất đai... Lần đối thoại doanh nghiệp gần đây nhất diễn ra ngày 28/6/2017, đại diện doanh nghiệp, nhà đầu  tư nêu trên 20 ý kiến, kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng nội dung chủ yếu xoay quanh: Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng trong thực hiện cấp phép đầu tư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện đầu tư dự án; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; mong UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư, chính sách thuế; UBND tỉnh có cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư; khuyến khích các cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án cấp tỉnh và các huyện sử dụng sản phẩm công nghiệp địa phương trong xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cơ sở sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là sử dụng xi măng Điện Biên, gạch không nung; cát nhân tạo… Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đại diện UBND cùng các sở, ban, ngành tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận, giải đáp cụ thể những thắc mắc mà cộng đồng doanh nghiệp nêu ra. UBND tỉnh đã cam kết, sẽ thực hiện ngay các giải pháp tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, miễn giảm thuế theo quy định; ưu tiên doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn tiếp cận các chương trình, dự án; đẩy mạnh cải cách, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nội dung Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng không ngừng củng cố, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp... UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động. UBND tỉnh cũng ban hành một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như: Nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp khai khoáng, thủy điện... Thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động. Nâng cao chất lượng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trên tinh thần các cơ quan chức năng không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn ban hành chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận một số nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ hoạt động kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với Hội Doanh nghiệp trẻ làm tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường công khai minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo, công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thu hút đầu tư và công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn có những chuyển biến tích cực: 8 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 2.000 tỷ đồng; 9 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn tất việc cho chủ trương lập đề xuất đầu tư 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 5.083 tỷ đồng tăng 10,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vốn nhà nước ước đạt 2.355 tỷ đồng giảm 11,23% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài Nhà nước ước đạt 2.728 tỷ đồng tăng 40,66% so với cùng kỳ năm trước.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top