Chuyển biến tích cực trong công tác QLBVR ở Mường Nhé

08:52 - Thứ Hai, 16/10/2017 Lượt xem: 5351 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các cơ quan chức năng huyện, chính quyền cơ sở triển khai nhiều giải pháp quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong QLBVR, các cơ quan chức năng huyện còn tập trung đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ chặt phá, xâm hại rừng; mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép. Nhờ đó, công tác QLBVR trên địa bàn có những chuyển biến tích cực.

Phá rừng diễn biến phức tạp

Huyện Mường Nhé hiện có 70.900,72ha đất có rừng (rừng sản xuất 11.650,66ha; rừng phòng hộ 21.633,87ha; rừng đặc dụng 35.018,26ha và đất có rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 2.537,85ha); diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp: 77.599,59ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,14%.

 

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé kiểm tra, xác định diện tích rừng bị chặt phá tại khu vực khe Chí Xé, bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn.

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, những năm gần đây, mỗi năm trên địa bàn huyện phát hiện, xử lý từ 200 - 250 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về QLBVR, quản lý lâm sản. Trong đó, các vụ chặt phá rừng trái phép làm nương chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ vi phạm. 9 tháng năm 2017, toàn huyện xảy ra 157 vụ vi phạm; trong đó 139 vụ chặt phá rừng trái phép, tổng diện tích rừng bị thiệt hại 141,889 ha (52,409ha rừng sản xuất và 89,48ha rừng phòng hộ). Các đối tượng chặt phá rừng chủ yếu là các hộ, nhóm hộ dân di cư tự do. Nạn phá rừng làm nương chưa được ngăn chặn là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tỷ lệ che phủ rừng huyện Mường Nhé giảm dần theo các năm: Năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,56%; năm 2016 giảm còn 45,32%; đến tháng 9/2017, còn 45,14%. Bên cạnh tình trạng phá rừng trái phép làm nương, trên địa bàn thường xuyên xảy ra khai thác lâm sản trái phép để sử dụng hoặc bán lại cho các tư thương, đầu nậu. Một số đối tượng lợi dụng khu vực khai thác tận thu gỗ trên diện tích rừng chuyển đổi sang công trình giao thông, thuỷ lợi để khai thác gỗ trái phép trên diện rộng; săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, sản phẩm động vật hoang dã trái phép... Do lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển lâm sản tương đối cao nên các đối tượng thường manh động, sẵn sàng gây gổ, thách thức, dùng vũ khí “nóng” chống người thi hành công vụ. 9 tháng qua, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 157 vụ vi phạm về QLBVR và quản lý lâm sản; tang vật thu gồm: 15,438m3 gỗ các loại, 13.812kg măng tươi... Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán tang vật bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước gần 416,6 triệu đồng.

Tăng cường giải pháp QLBVR

Trước diễn biến phức tạp của nạn phá rừng trái phép làm nương; mua bán vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép, UBND huyện Mường Nhé đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện các vụ xâm hại rừng và buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là các giải pháp trọng tâm. Ðồng thời, không ngừng củng cố, kiện toàn ban chỉ huy QLBVR, phòng chống cháy rừng (PCCCR) các cấp. Ðặc biệt là củng cố, kiện toàn các tổ, đội bảo vệ - PCCCR tại 118/118 bản với số lượng từ 10 - 15 thành viên/tổ, đội. Mỗi năm, các cơ quan chức năng tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến cho hàng chục nghìn người nghe các quy định của pháp luật về QLBVR. Xây dựng bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; quy định lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản… Từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức được 168 cuộc họp dân tuyên truyền các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, với 7.522 người dân tham gia; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền; 5.988 người dân đã ký cam kết bảo vệ - PCCCR, không di cư tự do.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tại các điểm “nóng” chặt phá rừng và các tuyến đường giao thông hay xảy ra tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện cử cán bộ có kinh nghiệm bám cơ sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát nắm bắt tình hình; vận động nhân dân phát giác, tố giác hành vi phá rừng. Nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giấy phép khai thác gỗ tận thu trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến rừng và đất rừng để khai thác gỗ trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết tận thu lâm sản đúng sơ đồ thiết kế. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh xử lý hành chính các vụ vi phạm, các cơ quan chức năng đã truy cứu trách nhiệm hình sự 15 vụ với 16 bị can vi phạm lâm luật.

Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR kết hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn phá rừng; khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn của chính quyền các cấp huyện Mường Nhé đã từng bước ổn định tình hình, góp phần bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững. Hiện nay, trên địa bàn không có “tụ điểm”, “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; các hành vi vi phạm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top