Xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm

Nỗ lực tiếp tục đà tăng trưởng

10:43 - Thứ Hai, 16/10/2017 Lượt xem: 7475 In bài viết
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông sản có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường nông sản Việt Nam ngày càng được mở rộng và tiếp cận sâu tại một số thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc… Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mức tăng trưởng chưa cao, ngành Nông nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này.

Nhiều mặt hàng có mức tăng ngoạn mục

Nếu như những năm trước đây, nhiều loại nông sản Việt Nam như: Gạo, cà phê, cao su… có dấu hiệu giảm hoặc “chững” lại thì 9 tháng qua, nhiều mặt hàng đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Điển hình như lúa gạo, vốn là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực song khoảng 3 năm trở lại đây xuất khẩu gạo giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ tháng 5, xuất khẩu gạo có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Tính đến hết tháng 9 năm 2017, mặt hàng lúa gạo đã xuất khẩu được 4,57 triệu tấn (tương đương 2,02 tỷ USD), tăng 20,8% về khối lượng và tăng 18,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

 

Quả nhãn bước đầu đã được xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.

Cùng với lúa gạo, thủy sản cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng lớn của ngành Nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,91 tỷ USD (tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016). Đặc biệt, thủy sản đã từng bước khẳng định được vị trí và giá trị tại thị trường Châu Âu. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả được coi là "điểm sáng" nhất của ngành Nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã mang về 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với thị trường truyền thống là Trung Quốc, rau quả Việt Nam đã mở rộng và phát triển mạnh tại các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nhận được phản hồi khá tốt từ đối tác. Qua đó, các thị trường tiềm năng này tiếp tục nhập khẩu mặt hàng trái cây của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, điều đáng lưu ý, rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, đó là sản xuất phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và dường như “lép vế” tại các thị trường quốc tế. Mặt khác, Việt Nam còn hạn chế về năng lực bảo quản rau quả, nên khó vận chuyển tới các thị trường xa. Đây cũng là vấn đề cần sớm khắc phục trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam…

Phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hà Công Tuấn, trong 3 năm qua, ngành Nông nghiệp luôn gặp khó khăn, có thời điểm tăng trưởng âm. Tuy nhiên, 9 tháng qua, sự đóng góp đáng kể của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2016, đã cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất trong nước, tăng cường công tác quản lý chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì các doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành không ngừng xây dựng, quảng bá và tiếp cận thị trường. Những bước đi cụ thể, tích cực này đã giúp ngành Nông nghiệp tăng trưởng dù sản xuất trong nước thường xuyên phải đối diện với thiên tai, dịch hại… 

Tuy nhiên, nhìn nhận nghiêm túc từ thực tế, đối với xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vẫn chưa phát huy được tính chủ động; sản xuất trong nước chưa được định hướng theo nhu cầu thị trường. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần chú ý tới thiên tai và biến động thị trường - những yếu tố có nhiều tác động mạnh đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không thể lơ là việc bám sát thị trường nhập khẩu, phân tích tình hình để có những điều chỉnh phù hợp trong sản xuất. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp nên tập trung vào các mặt hàng chủ lực; khai thác tốt các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần có cải tiến, cơ cấu lại (chuyển đổi từ lúa gạo sang tôm, cá…) và tích cực đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến…

Để duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng đối với xuất khẩu nông sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có yêu cầu về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản những tháng cuối năm. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các bộ: Công Thương, NN&PTNT cần tiếp tục quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nông, thủy sản thời gian tới, nhất là các tháng cuối năm 2017. 

Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp (theo thẩm quyền) phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản. Cần đặc biệt phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, nhất là tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, thị trường, tiến trình tháo gỡ rào cản và đàm phán mở cửa thị trường; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để định hướng thị trường, định hướng sản xuất. Mặt khác, cần ngăn ngừa các thông tin không chính xác, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu… Ngoài ra, cần có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề quan trọng vượt thẩm quyền xử lý.

Ông Marion Klaver, Công ty Fresh Studio Nhật Bản cho rằng: Những năm qua, mặt hàng rau quả Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định hơn 30%/năm. Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công rau quả ở một số thị trường phát triển với mức giá tốt. Tuy nhiên, mặt hàng này của Việt Nam vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ bé (2%) trên thị trường xuất khẩu rau quả (không tính các loại hạt) trị giá hơn 140 tỷ USD của thế giới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top