Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

10:34 - Thứ Sáu, 20/10/2017 Lượt xem: 6569 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực QLBVR vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên...

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 762.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó đất có rừng hơn 367.000ha. Ðể tăng cường công tác QLBVR, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TU ngày 2/8/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nhằm quán triệt sâu sắc các yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đã vào cuộc tích cực; đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thị xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tại các địa phương tham gia bảo vệ rừng, không tiếp tay cho các đối tượng phá rừng; tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, các tỉnh giáp ranh. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của kiểm lâm cắm xã; hỗ trợ lực lượng cho các đơn vị chủ rừng đóng chốt bảo vệ rừng để kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản của các cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, tiêu thụ lâm sản trái phép... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 512 vụ vi phạm quy định của pháp luật về QLBVR; đã xử lý 376 vụ. Trong đó, 229 vụ liên quan đến phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật, diện tích bị phá 194ha; vi phạm các quy định của Nhà nước về mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 156 vụ, đã xử lý và tịch thu hơn 127m3 gỗ các loại; trong đó đã khởi tố 21 vụ và 37 bị can.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về công tác QLBVR và giải pháp thực hiện trong thời gian tới được tổ chức ngày 14/10 vừa qua, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua, một phần do tình trạng dân di cư tự do phá rừng làm nương; áp lực tăng dân số tạo sức ép lớn đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ công tác QLBVR chưa phù hợp với thực tế, như: Hỗ trợ gạo trồng rừng thay thế, suất đầu tư thấp... Ðồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết tình trạng dân di cư tự do; bổ sung biên chế đối với lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Ðể công tác QLBVR và phát triển rừng trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa, cần phải xác định rõ đây là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Ðảng, chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức địa phương. Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhất là đối với các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng… Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng; phân định, cắm mốc ranh giới lâm phận quốc gia và ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng. Ðồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với cấp ủy chính quyền cơ sở; thường xuyên duy trì việc kiểm tra các khu vực rừng có nguy cơ bị lấn chiếm, phá hoại khai thác lâm sản trái pháp luật; rà soát, phát hiện và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm hành chính về QLBVR.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top