Chi ngân sách năm 2018: Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền

09:09 - Thứ Ba, 24/10/2017 Lượt xem: 6274 In bài viết
Về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cơ bản thống nhất với Chính phủ và nhận thấy cơ cấu chi năm 2018 đã có xu hướng thay đổi tích cực.

Chiều 23-10, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện NSNN năm 2017; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2018.

NSTƯ có khả năng hụt thu 3 năm liên tiếp

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước QH về kết quả thực hiện NSNN năm 2017; dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ năm 2018.

Về tình hình thu NSNN năm 2017, Ủy ban TCNS nhận thấy, Chính phủ ước thực hiện thu vượt 2,3% so với dự toán đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu NSTƯ ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTƯ có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTƯ, vai trò chủ đạo của NSTƯ khó được đảm bảo.

Về tình hình thực hiện chi NSNN, Ủy ban TCNS nhận định, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. 

Ủy ban TCNS cũng đánh giá cao kết quả điều hành NSNN của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay. 

Tán thành mức tăng lương cơ sở trên 7%

Dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017 tuy khá thấp, nhưng Ủy ban TCNS đánh giá đây là mức phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến và các yếu tố không thuận tác động đến nền kinh tế, hạn chế mức độ rủi ro khi dự toán thu không đạt dự toán.

Cơ bản thống nhất với Chính phủ về phương án dự toán chi NSNN năm 2018, Ủy ban TCNS nhận thấy cơ cấu chi đã có xu hướng thay đổi tích cực: tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng là hợp lý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cân đối NSTƯ còn nhiều khó khăn, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh chi NSNN cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm; không nợ chính sách chi cho con người.

Đối với chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7%. 

Một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến năm 2020, có thể cho phép một số địa phương có điều tiết thu về NSTƯ trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển. 

Giám sát cho thấy, nguồn cải cách tiền lương của một số địa phương còn dư khá lớn, sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định và một số chính sách, chế độ chi do TƯ ban hành nhưng không được sử dụng, gây lãng phí.

Bội chi ngân sách dự kiến tăng 0,2% GDP 

Về mức bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7% GDP, tăng 0,2%GDP so với năm 2017 mà Chính phủ dự kiến, Ủy ban TCNS cho rằng cần có căn cứ lý giải thuyết phục hơn. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc giảm mức bội chi xuống 3,5%GDP, bằng mức bội chi năm 2017.

Để thực hiện tốt dự toán NSNN năm 2018, Ủy ban TCNS lưu ý Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu NSNN, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới mức 3% tổng thu NSNN. Đồng thời, quán triệt nguyên tắc không lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách thu, không ban hành chính sách làm giảm nhiều nguồn thu NSNN để bảo đảm tính ổn định của chính sách thu và tỷ lệ huy động GDP vào NSNN.

Ngoài ra, Chính phủ tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh ở trung ương và địa phương. Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN, không nợ chi thực hiện chính sách đã ban hành; tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp, những nội dung trên sẽ được đại biểu QH thảo luận tại tổ trong sáng nay (24-10).

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top