Huyện Điện Biên

Chủ động các biện pháp bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng

10:24 - Thứ Tư, 25/10/2017 Lượt xem: 8018 In bài viết
ĐBP - Mùa khô hàng năm bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau. Đây là giai đoạn “nóng” đối với công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR)  của lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên. Bởi địa bàn huyện diện tích đất có rừng tương đối lớn (trên 81.000ha), với tỷ lệ che phủ cao (49,7%).

Ông Nguyễn Cương Quyết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ cháy rừng tại các xã: Mường Pồn, Nà Nhạn, Mường Phăng, với tổng diện tích cháy 15,36ha rừng. Nguyên nhân cháy được xác định chủ yếu do người dân tự ý đốt nương nên không tìm được đối tượng vi phạm để xử lý. Đây cũng chính là khó khăn trong công tác PCCCR của lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên trong việc xử lý và khắc phục hậu quả cháy rừng. Vì vậy, bước vào đầu mùa khô năm nay, kiểm lâm huyện Điện Biên đã đặt ra kế hoạch PCCCR cụ thể và xuyên suốt, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc PCCCR mưa khô năm 2017 – 2018.

 

Kiểm lâm viên và người dân xã Thanh Nưa đi phát dọn cỏ dưới tán cây, ngăn ngừa cháy rừng tại rừng Hạ Thanh, xã Thanh Nưa. 

Theo phân tích chuyên môn, mùa khô năm nay thời tiết có diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, vì thế Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên đã lên kế hoạch, gửi UBND huyện Điện Biên về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô năm 2017 – 2018. Đồng thời, xác định các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để có biện pháp chỉ đạo, cảnh báo và kịp thời xử lý tình huống khi có cháy rừng xảy ra. Theo ông Nguyễn Cương Quyết, các xã có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao hiện nay là: Na Ư, Núa Ngam, Hẹ Muông, Na Tông, Mường Nhà, Mường Pồn... Do một số bà con dân tộc thiểu số ở các xã này thường xuyên du canh du cư và đốt rừng làm nương. Vào mùa khô hanh, khi bà con đốt nương, gặp gió Lào thổi khiến lửa bùng lên, lan rộng vào thảm cỏ khô dưới tán rừng và dễ gây cháy rừng. Mặc dù chính quyền các xã đã chủ động tuyên truyền, tổ chức các buổi tuần tra bảo vệ rừng cùng kiểm lâm viên, song do địa bàn rộng, diện tích rừng lại lớn nên công tác PCCCR gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, do ý thức của người dân chưa được nâng cao, dù được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều nhưng bà con vẫn chưa bỏ được tập quán canh tác lạc hậu. Những năm gần đây, tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra rải rác ở các xã trên, với mức độ ngày càng lớn hơn. “Hiện nay, việc xử lý vi phạm khi xảy ra cháy rừng còn ở mức độ khá nhẹ, chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở và cảnh cáo nên rất khó răn đe. Vì vậy, ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra bảo vệ PCCCR, thì chúng tôi đã đề nghị lên Chi cục Kiểm lâm Điện Biên, xem xét đưa ra văn bản xử lý vi phạm cháy rừng ở mức cứng rắn hơn” – ông Nguyễn Cương Quyết cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Kiểm lâm huyện Điện Biên đã tổ chức 465 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR tại 465 thôn, đội, bản của 25 xã trên địa bàn huyện Điện Biên. Các buổi tuyên truyền đã thu hút 20.731 người tham gia, trong đó 20.631 người đã ký vào cam kết bảo vệ, PCCCR.

Theo sự giới thiệu của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, chúng tôi đi thăm khu rừng Hạ Thanh, tại xã Thanh Nưa. Đây là cánh rừng tái sinh do người dân xã Thanh Nưa đang chung tay bảo vệ; nhiều năm nay rừng Hạ Thanh là điểm sáng trong việc quản lý bảo vệ, PCCCR. Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng, ông Lường Văn Khún, Trưởng Câu lạc bộ Quản lý bảo vệ rừng khu vực Hạ Thanh cho biết: “Trước đây, rừng Hạ Thanh thường xảy ra tình trạng cháy rừng, do bà con đốt nương hoặc sử dụng lửa bất cẩn; có trường hợp người dân đi khai thác lâm sản phụ, bắt ong cũng gây cháy rừng. Vì vậy, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, không đốt rừng làm nương, chuyển sang vay vốn các chi hội, tổ chức để trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời dựa vào những người có uy tín, già làng, trưởng bản để tuyên truyền có hiệu quả việc bảo vệ rừng, hưởng những lợi ích từ rừng. Đối với những trường hợp người dân phá rừng, đốt rừng chúng tôi đưa về bản họp, nhắc nhở, răn đe, yêu cầu họ ký vào cam kết không vi phạm nữa; từ đó, ý thức người dân bắt đầu được nâng cao hơn. Tới nay đã 10 năm, hơn 42ha rừng khu vực Hạ Thanh được quản lý bảo vệ rất tốt, người dân không những không phá, đốt rừng mà còn chung tay bảo vệ, phát triển rừng”.

Nhìn cánh rừng Hạ Thanh xanh tốt, với những cây gỗ to, chứng tỏ người dân nơi đây đã nâng cao ý thức bảo vệ, PCCCR. Được biết, trong kế hoạch PCCCR mùa khô năm 2017 – 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên sẽ tổ chức Hội nghị Quản lý bảo vệ, PCCCR cấp huyện; đồng thời tổ chức buổi tham quan, nghiên cứu cách bảo vệ, PCCCR khu vực Hạ Thanh, để các xã khác học tập làm theo.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top