Những nông dân tỷ phú vùng biên

09:38 - Thứ Năm, 26/10/2017 Lượt xem: 6704 In bài viết
ĐBP - Người Hà Nhì (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) từ lâu luôn là cộng đồng dân tộc đi đầu trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội nơi cực Tây Tổ quốc; một lòng theo Ðảng, chủ động học hỏi, vươn lên và tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới. Nhờ tinh thần ấy, đời sống người Hà Nhì không chỉ ấm no, yên bình mà nhiều người còn trở thành nông dân tỷ phú vùng biên ải. 

Họ là những cán bộ, đảng viên, nông dân cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, không cam chịu đói nghèo, phát huy tiềm năng thế mạnh đất rừng, nhân lực lao động, mạnh dạn đầu tư vốn, công sức, thời gian phát triển chăn nuôi trâu, bò. Ðến nay có 4 hộ ở xã Sín Thầu có đàn trâu, bò trị giá từ 800 triệu - 1,5 tỷ đồng/hộ. Ðiều mà trước đây cha mẹ, người thân và bản thân họ chưa bao giờ nghĩ đến.

 

Gia đình ông Chang Váng Sinh, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, trở thành hộ giàu nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Những nông dân tỷ phú 

Ðến xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) vào ngày cuối tháng 10, chúng tôi ngạc nhiên, giữa vùng đồi núi mênh mông trùng điệp của ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào có một gia đình nông dân làm được ngôi nhà trị giá 1,4 tỷ đồng, mua sắm phương tiện, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông sản. Ðó là gia đình ông Sùng Phì Sinh, bản Tả Kố Khừ. Trong ngôi nhà xây 2 tầng rưỡi khang trang lộng lẫy, bên trong đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt: ti vi, tủ lạnh, giường, tủ...; phương tiện máy móc: xe máy, máy xay xát, máy làm đất nông nghiệp, máy tuốt lúa. Ông Sinh cho biết: Tất cả những gì chúng tôi có được như hôm nay, đó là công sức lao động của các thành viên trong gia đình gần 20 năm qua. Chúng tôi cùng nhau chăm sóc, phát triển đàn trâu, bò. Hơn 10 năm trước đây, gia đình tôi chỉ có vài con trâu, bò. Tôi là người nhận trách nhiệm trông nom. Hàng ngày, tôi ở trên trang trại cách xa nhà hơn 2 tiếng đi bộ đường rừng để trông nom trâu, bò. Ban đêm, chỉ có tôi và đàn trâu, bò với núi rừng trùng điệp mênh mông. Mỗi ngày tôi đều thả trâu, bò ra rừng, 2 ngày cho chúng ăn muối 1 lần để tăng dinh dưỡng, sức đề kháng bệnh tật và để gia súc quen muối gần gũi với chủ. Những đồi cỏ mênh mông, thức ăn dồi dào đã giúp đàn trâu, bò lớn nhanh, xa bản nên không bị dịch bệnh.  Gia đình các ông: Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ; Chang Váng Sinh, Sừng Sừng Khai, bản A Pa Chải, hiện cũng có đàn trâu, bò từ 80 - 200 con/hộ. Các hộ này đều có cách làm giống nhau là phân công 1 lao động chuyên trách chăm sóc, trông nom đàn trâu, bò. Khi có việc cần thiết thì tập trung các thành viên trong gia đình lùa gia súc về nơi tập trung cho ăn thêm cỏ, cám, tiêm vắcxin phòng bệnh, đưa vào nơi an toàn tránh mưa bão, giá rét. Thu nhập khá từ phát triển chăn nuôi trâu, bò; các gia đình này đều làm được nhà ở đẹp, khang trang, có đời sống vật chất tinh thần tốt, con em có điều kiện học tập.  

Nhân rộng mô hình

Ông Pờ Chinh Phạ, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, đồng thời cũng là chủ hộ có hơn 20 con trâu, bò, cho biết: Ðẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa, mạnh dạn đầu tư phát triển với số lượng, chăn thả có người trông nom, chăm sóc, chủ động tiêm vắcxin phòng dịch, nên xã Sín Thầu có số lượng gia súc lớn nhất huyện Mường Nhé. Nhiều hộ giàu và thoát nghèo từ phát triển đàn trâu, bò. Bên cạnh đó, những hộ nghèo của xã Sín Thầu đang được hưởng lợi từ chế độ, chính sách ưu việt của Ðảng, Nhà nước giành cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hỗ trợ trâu, bò giống từ các chương trình, dự án: Chương trình 30a, Chương trình 135/CP, bò giống do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã còn cao (60,1%). Số gia đình chỉ có 1 - 3 con trâu, bò/hộ chiếm tỷ lệ khá lớn. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền vận động người dân trong xã tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng bền vững. Cụ thể, làm chuồng trại, có người chăn dắt, chủ động tiêm phòng dịch và không mua bán trâu, bò dịch bệnh từ ngoài vào địa phương. Chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (chuồng gia súc xa nhà ở, vệ sinh sạch sẽ). Hiện nay đã có hàng chục hộ tại 2 bản: A Pa Chải và Tả Kố Khừ có đàn trâu bò từ 20 - 40 con, trị giá 200 - 400 triệu đồng. Thu nhập từ bán trâu, bò đã giúp họ giảm nghèo nhanh bền vững.

Hiểu rõ và nhận thức đúng tiềm năng thế mạnh của gia đình, của địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia trại, trang trại theo hướng bền vững. Tích cực thông tin trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất, kiến thức kỹ thuật, tình hình phát triển, dịch bệnh và giá cả thị trường. Ðó là bài học quý trong phát triển chăn nuôi trâu, bò ở Sín Thầu đã giúp một số hộ nông dân vùng đặc biệt khó khăn trở thành tỷ phú, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ đang vươn lên thoát nghèo. Chủ động thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước, những nông dân vùng ngã ba biên giới đang góp phần xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn vùng cao no ấm yên bình. 

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top