Tạo đột phá cho Ðiện Biên phát triển

09:21 - Thứ Năm, 02/11/2017 Lượt xem: 6588 In bài viết
ĐBP - Ðiện Biên có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh quốc gia song điều kiện địa hình miền núi chia cắt, giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn. Do đó, Cảng Hàng không Ðiện Biên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai, xử lý các tình huống khẩn cấp, phục vụ quốc phòng - an ninh, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với quy mô, hạ tầng Cảng Hàng không Ðiện Biên hiện nay khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được xem là cơ sở tạo sức bật để Ðiện Biên “cất cánh”.

Cảng Hàng không Ðiện Biên (trước đây là sân bay Mường Thanh) do Pháp xây dựng từ thập kỷ 40 thế kỷ trước, là sân bay dã chiến - một căn cứ tiếp vận quan trọng nằm trong tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.

 

Máy bay cất cánh tại Cảng Hàng không Ðiện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

Năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại sân bay Ðiện Biên do quân đội đảm nhiệm nhưng rất ít chuyến bay; sau đó hầu như không khai thác. Năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tuyến đường bay Hà Nội - Ðiện Biên bằng máy bay AN24, AK40 được khôi phục. Sau 10 tháng khai thác, do các điều kiện kỹ thuật không cho phép, ngày 30/1/1995 đường bay đã tạm ngưng để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, Cảng Hàng không Ðiện Biên đã hoạt động trở lại, khai thác bằng máy bay ATR72. Từ năm 1990 - 2002, Cảng Hàng không Ðiện Biên được đầu tư xây dựng nhà ga, đài chỉ huy, hệ thống cấp nước, sân đỗ ô tô, đường cất hạ cánh... Từ năm 2002 - 2004, Cảng Hàng không Ðiện Biên tiếp tục được đầu tư xây dựng mới và sửa  chữa các công trình: Ðường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hàng không dân dụng, sân đỗ ô tô, các công trình quản lý bay, tháp chỉ huy... từng bước trở thành một Cảng hàng không hoàn chỉnh, đồng bộ đáp ứng được nhu cầu khai thác sử dụng.

Nhà ga hành khách Cảng Hàng không Ðiện Biên khánh thành năm 2004, trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ khai thác hàng không và phi hàng không, với lưu lượng thiết kế khoảng 150 hành khách/giờ cao điểm, 300.000 hành khách/năm. Hiện nay, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VietNam Airlines) đang khai thác đường bay Hà Nội - Ðiện Biên - Hà Nội với tần suất 4 lần chuyến/ngày.

Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng Cảng hàng không Ðiện Biên chỉ khai thác được máy bay ATR72 và tương đương trở xuống, chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác loại máy bay A320/321 và tương đương. Do đó, khả năng phục vụ nhu cầu của hành khách hạn chế, đặc biệt là không đáp ứng được yêu cầu phục vụ trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến quốc phòng - an ninh.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua nhu cầu vận chuyển hàng không của Ðiện Biên phát triển khá nhanh. Giai đoạn từ năm 2005 - 2016, sản lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không Ðiện Biên đạt mức tăng trưởng bình quân gần 8%/năm. Ðặc biệt vào các năm chẵn kỷ niệm  Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, lượng khách đến Ðiện Biên tăng đột biến; vận chuyển hành khách đường hàng không thường bị “cháy vé”. Năm 2014 kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, có 81.804 lượt hành khách (tăng 10,10% so với năm 2013) và 62 tấn hàng hóa (tăng 30,16%). Riêng năm 2016, sản lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không Ðiện Biên đạt 108.099 lượt người (tăng 53,89%); sản lượng hàng hoá đạt 93 tấn (tăng 13,78%).

Tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được tổ chức ngày 24/10 vừa qua, ông Ðinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định “Ðây là sự kiện trọng đại đối với sự phát triển ngành giao thông - vận tải và tỉnh Ðiện Biên. Hứa hẹn sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ðiện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung”. Hiện nay Cảng Hàng không Ðiện Biên vẫn nằm trong số những cảng hàng không có sản lượng thấp trong toàn quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ðiện Biên không có nguồn lực phát triển mà yếu tố hạn chế sự phát triển ngành hàng không ở Ðiện Biên là hạ tầng. Với đường băng dài 1.850m, rộng 30m chỉ phục vụ được máy bay cánh quạt, chưa đáp ứng được loại máy bay phản lực tầm trung. Nếu đầu tư nâng cấp hạ tầng hàng không đáp ứng yêu cầu khai thác máy bay lớn hơn sẽ tạo ra sự bứt phá ngoạn mục cho hàng không Ðiện Biên.

Ðiện Biên có tiềm năng, thế mạnh riêng biệt để phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch. Ðặc biệt là tiềm năng về du lịch với điểm nhấn là quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Do đó, Cảng Hàng không Ðiện Biên ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh bởi khi thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thì nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày một tăng cao. Theo quy hoạch điều chỉnh: Cảng hàng không Ðiện Biên sẽ có hệ thống đường cất hạ cánh được đầu tư xây mới dài 2.400m, rộng 45m và hệ thống sân quay đầu, đường lăn, sân đỗ đáp ứng yêu cầu khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Ðến năm 2020 có 3 vị trí đỗ; đến năm 2030, 6 vị trí đỗ máy bay. Dự báo đến năm 2020 đạt gần 300 nghìn hành khách/năm và năm 2030 đạt 2 triệu hành khách/năm. Hy vọng rằng, với Cảng Hàng không được xây dựng mới, hiện đại sẽ tạo đột phá để vận tải hàng không nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh ta “cất cánh”.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top