Ổn định “đầu ra” cho mủ cao su

09:29 - Thứ Năm, 02/11/2017 Lượt xem: 6876 In bài viết
ĐBP - Sau 9 năm “bén rễ”, hàng trăm héc ta cao su ở Ðiện Biên đã được đồng loạt mở cạo đưa vào khai thác mủ. Tuy nhiên, trong điều kiện mở cạo năm đầu, năng suất, sản lượng chưa cao nên bài toán đặt ra với Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đó là tìm đối tác tiêu thụ sản sản phẩm, quay vòng đồng vốn đầu tư, tái sản xuất và nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên, người lao động…

Trên khắp các vùng trồng cao su đang mở cạo từ Thanh Nưa, Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) đến Na Sang, Mường Mươn, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà); công nhân trực tiếp cạo mủ đều đặn làm việc trên các lô, đồi được phân công đảm nhiệm từ 5 giờ hàng ngày và công việc cạo mủ thường hoàn thành trước 8 giờ. Sau thời gian đưa vườn cây vào khai thác, đã hình thành và tạo thói quen làm việc đúng giờ, đảm bảo kỹ thuật cho những công nhân vốn là nông dân. Nhờ công việc cạo mủ, góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho các hộ gia đình nhận khoán vườn cây cũng như công nhân, người lao động.

 

Công nhân Nông trường Cao su Ðiện Biên (Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên) cạo mủ cao su.

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cho biết, thời điểm này là thời tiết thuận lợi nhất cho việc khai thác mủ cũng như chất lượng mủ trong năm. Biên độ dao động nhiệt độ buổi sáng như hiện nay từ 17 - 22oC kích thích cây cao su cho mủ nhiều, chảy nhanh hơn, chất lượng tốt hơn. Vì vậy, Công ty đang tập trung nhân lực, động viên cán bộ, công nhân viên, người lao động tích cực khai thác đều đặn theo đúng quy trình kỹ thuật. Sau hơn 4 tháng đưa vào khai thác, đến nay sản lượng mủ đông (quy khô) của Công ty hơn 280 tấn, đạt 70% kế hoạch trong năm 2017 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, công nhân làm việc tích cực, không bỏ cạo; Công ty sẽ “cán mốc” hoàn thành kế hoạch trước thời hạn Tập đoàn đề ra. Với hơn 630ha vườn cây đưa vào mở cạo khai thác, công nhân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Hiện 180 công nhân trực tiếp cạo mủ hàng ngày theo chế độ cạo D4 vừa tiết kiệm được chi phí, năng suất lao động và đảm bảo cho thu nhập cho người lao động vừa giúp cây ổn định tốt về tình trạng sinh lý, tiết kiệm được lớp vỏ nguyên sinh của cây, cho sản lượng ổn định và bền vững. Ngoài được đóng các chế độ bảo hiểm xã hội, ăn ca, bồi dưỡng theo quy định; công nhân trực tiếp cạo mủ được trả lương trung bình từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng; không ít công nhân có kinh nghiệm tay nghề cạo tốt, thu nhập từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm từ cây cao su đã có và tiêu thụ sản phẩm ra sao để vừa tạo nguồn tài chính trả lương cho công nhân vừa duy trì ổn định phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh là vấn đề mà Ban giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên trăn trở suy nghĩ. Và giải pháp trước mắt được ban lãnh đạo thống nhất cao đó là phương án bán sản phẩm thô trong thời gian chưa xây dựng được nhà máy chế biến mủ. Vừa qua, Công ty đã ký kết hợp đồng bán sản phẩm cho cho Công ty Du lịch Cao su Hàm Rồng. Ðơn vị đối tác đến tận nơi vận chuyển. Sau 5 chuyến xuất kho thành công, Công ty đã bán hơn 200 tấn mủ đông (quy khô). Ðể đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả đôi bên, việc ký kết mua bán sản phẩm dựa trên giá sàn do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam niêm yết. Với giá sàn như hiện nay dao động khoảng 35 triệu đồng/tấn sản phẩm cao su đã qua chế biến, việc bán thô sản phẩm (sau khi trừ đi 4,5 triệu đồng chi phí chế biến, vận chuyển), giá bán hiện đạt 16,5 triệu đồng/tấn mủ đông (quy khô). Theo ông Phan Văn Lợi, so với thời điểm này năm 2016 giá bán đã tăng cao hơn khá nhiều, đó là những tín hiệu tích cực trong thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su trong nước và trên thế giới. Dự báo thị trường giá cao su trong thời gian tới tiếp tục biến động tích cực theo chiều hướng tăng, sẽ là điều kiện thuận lợi để Công ty tiếp tục đưa các diện tích mở cạo mới vào khai thác. Như vậy, trong thời gian tới sản lượng khai thác cao su sẽ tăng và sang năm 2018 sẽ đạt gần 1.000 tấn mủ đông (quy khô). Ðể chủ động đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh việc bán thô, Công ty đã tính đến phương án vận chuyển vào các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Trị) - nơi có nhiều nhà máy chế biến cao su truyền thống để chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng hiệu quả kinh tế từ sản phẩm khai thác.

Tuy nhiên, theo ông Lợi 2 phương án trên cũng chỉ là những giải pháp trước mắt, giải pháp tình thế trong vấn đề chế biến, tiêu thụ cao su ở Ðiện Biên. Trong điều kiện cách xa khu chế biến, giao thông cách trở như hiện nay thì việc xây dựng nhà máy chế biến là cần thiết để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và người dân vùng dự án. Theo lộ trình, đến năm 2019 khi diện tích vườn cây đưa vào khai thác, sản lượng thu hoạch tương đối đảm bảo; Công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến mủ có công suất phù hợp với công suất 3.000 tấn/năm. Và trong khi chưa đảm bảo các điều kiện để xây dựng Nhà máy chế biến mủ, Công ty đã tính đến và đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng kho trữ mủ sau khai thác cách xa khu dân cư, đảm bảo các yếu tố môi trường, thuận tiện công nhân trực tiếp sản xuất.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top