Nậm Pồ nhiều tiềm năng sản xuất rau an toàn

09:40 - Thứ Năm, 02/11/2017 Lượt xem: 6661 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, huyện Nậm Pồ có khoảng 130ha rau, người dân chủ yếu trồng các loại rau họ cải, bầu bí và các loại rau lấy củ, thân… chưa đủ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Các khu vực đông dân cư như: Trung tâm huyện, trung tâm xã Nà Hỳ, Chà Cang, Phìn Hồ, Si Pa Phìn vẫn thường xuyên nhập rau từ các địa phương khác. Từ thực tế đó, để giúp nông dân phát triển nghề trồng rau, tạo ra sản phẩm rau an toàn, đa dạng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đồng thời tạo đòn bẩy để huyện hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, ngày 8/9/2017, UBND huyện Nậm Pồ đã ban hành Công văn số 930/UBND-NN về phát động trồng rau an toàn trên địa bàn. Theo đó, UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Bảo vệ thực vật xây dựng kế hoạch, triển khai các mô hình trình diễn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn, cách sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và giải quyết đầu ra cho sản phẩm rau an toàn do nông dân trên địa bàn sản xuất. Mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 300ha rau an toàn.

 

Bà con vùng cao huyện Nậm Pồ bán rau tại chợ trung tâm huyện.

Từ ngày thành lập huyện Nậm Pồ (tháng 6/2013), nghề trồng rau đã trở thành nghề chính của một số hộ dân xã Nà Hỳ. Do đó, việc UBND huyện phát động phong trào trồng rau an toàn được người dân nhiệt tình ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Huyền, bản Nà Hỳ 3, xã Nà Hỳ cho biết: Tôi đã cải tạo thêm khoảng 1.000m2 đất để trồng rau an toàn. Mùa nào thức ấy, vụ đông trồng các loại: Su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua; vụ xuân trồng các loại rau cải. Do trồng rau trên chân ruộng 1 vụ nên rau tốt, sản xuất gối vụ có sản phẩm bán quanh năm. Nguồn cung ít mà nhu cầu nhiều nên rau sản xuất ra đến đâu được lái buôn mua hết đến đó, tôi không phải ra chợ bán. 4 năm qua, để phát triển trồng rau an toàn, tôi đã tự tìm hiểu kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất và tự tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng nay được biết chính quyền huyện, xã có chủ trương và tạo điều kiện để phát triển nghề trồng rau an toàn nên tôi rất yên tâm phát triển nghề.

Chị Nguyễn Thụy Thanh, bản Nà Hỳ 3 cho biết: Trồng rau an toàn vất vả khoảng 1 năm đầu do phải tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu, vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật nhưng qua năm đầu tiên thì công việc nhàn và cho thu nhập cao hơn so với trồng ngô lúa. Năm 2014, gia đình tôi cải tạo được 2.000m2 đất ruộng 1 vụ để trồng rau an toàn. Ðến nay, đây là nghề chính, nguồn thu chính của gia đình với khoảng 60 - 70 triệu đồng/năm.

Xã Nà Hỳ có khoảng 8ha rau màu, là một trong những xã có diện tích rau màu lớn nhất huyện Nậm Pồ. Tuy nhiên, phần lớn người dân chỉ trồng theo mùa vụ, quy mô nhỏ lẻ. Hiện nay, xã Nà Hỳ có khoảng 3 - 4 hộ trồng rau chuyên nghiệp, có sản phẩm bán quanh năm. Ông Lò Văn Khan, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ cho biết: Xã Nà Hỳ có nhiều tiềm năng để phát triển nghề trồng rau an toàn. Hiện nay, xã có khoảng trên 70ha ruộng 1 vụ có thể trồng rau màu, nhất là cánh đồng Nà Hỳ. Trung tâm xã Nà Hỳ và trung tâm huyện là 2 thị trường tiêu thụ rau rất lớn nên vấn đề đầu ra sản phẩm không đáng lo ngại. Vấn đề quan trọng hiện nay là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thâm canh tăng vụ, tăng giá trị sản phẩm trên một diện tích đất sản xuất. Ðồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, lớp học nghề về rau an toàn để người dân nắm được kỹ thuật.

Hiện nay, nhu cầu rau an toàn ở các bếp ăn tập thể cơ quan, đơn vị và trường học trên địa bàn cũng rất lớn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền, sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nà Bủng đã phát triển các mô hình rau an toàn. Tuy quy mô nhỏ, khoảng 200 - 400m2 nhưng đây là bước chuyển biến lớn về nhận thức của người dân. Trồng rau vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa để bán tăng thu nhập. Hiện nay, phần lớn rau của người dân đều được nhà trường trên địa bàn thu mua, phục vụ các cháu học sinh bán trú.

Phát triển sản xuất rau an toàn ở huyện Nậm Pồ có tiềm năng và cũng không ít thách thức. Việc cần làm hiện nay là nhân rộng các mô hình rau an toàn hiệu quả. Nhân rộng mô hình là cách để làm phong phú các loại rau, củ, quả với sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần tạo phong trào trồng rau sạch chất lượng cao theo hướng hàng hóa của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất huyện cần giải quyết là việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. Mặc dù, những năm gần đây, nhận thức và tư duy sản xuất của người dân đã được nâng lên nhưng nhìn chung người dân vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nhiều khu vực sản xuất rau an toàn nằm xen lẫn với diện tích trồng lúa, ngô… nên dễ dẫn đến tình trạng nguồn nước tưới bị nhiễm bẩn, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo yêu cầu cho sản phẩm rau an toàn.

Theo ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ, thì thị trường tiêu thụ rau an toàn hiện nay khá tốt. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giúp người dân tiếp cận với hình thức sản xuất mới. Bởi khi tham gia sản xuất rau an toàn đòi hỏi phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đất trồng, chọn giống, chăm sóc cho tới khi thu hoạch. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung tâm Ðào tạo nghề mở các lớp tập huấn, dạy nghề và xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap tại 15/15 xã để người dân tiếp cận và nhân rộng các mô hình. Các cơ quan chuyên môn sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trong quá trình sản xuất rau an toàn. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản đáp ứng nhu cầu rau an toàn và nghề trồng rau sẽ là một trong những nghề chính mang lại thu nhập khá cho người dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top