Ðể vùng cà phê phát triển bền vững

09:36 - Thứ Sáu, 03/11/2017 Lượt xem: 7458 In bài viết

ĐBP - Hơn 20 năm qua, cây cà phê có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Mường Ảng. Nguồn thu nhập mà nó mang lại cho người dân là to lớn, thậm chí chưa một chương trình, dự án nào ở địa bàn có thể so sánh được. Tuy nhiên giá trị đó lại chủ yếu là tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, còn những người chủ của 3.309ha cà phê thì vẫn chưa thực sự yên tâm bởi điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại. Ðó cũng chính là vấn đề mà lãnh đạo huyện luôn trăn trở, nỗ lực tìm giải pháp để cà phê Mường Ảng có đầu ra ổn định, sát với giá trị thực của cà phê trên thị trường trong nước và thế giới.

Chúng tôi có mặt tại vùng nguyên liệu cà phê Ẳng Nưa cùng đoàn cán bộ, lãnh đạo huyện Mường Ảng do đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thanh Hải dẫn đầu. Những ngày này, việc thu hái cà phê đang bước vào chính vụ nên chỉ riêng khu vực xã Ẳng Nưa đã thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi từ các xã về hái thuê cho các chủ vườn. Vụ cà phê năm nay ước tính sẽ cho sản lượng gấp 2,5 - 3 lần năm ngoái (trên 2 tấn quả tươi/ha). Một người lao động đến từ xã Nà Tấu cho biết, hiện nay công hái thuê đang là 2,5 nghìn đồng/kg, mỗi người trung bình hái được hơn 1 tạ/ngày; gia đình chị có 3 người đi hái nên mỗi ngày cũng thu nhập trên dưới 7 trăm nghìn đồng.

 

Ðồng chí Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng (bên phải) trò chuyện với người dân hái cà phê tại xã Ẳng Nưa.

Xác định việc tiêu thụ sản phẩm cần có cạnh tranh lành mạnh để đưa giá trị của cà phê sát với giá thị trường, không để tư thương và doanh nghiệp chèn ép là vấn đề sống còn để bảo đảm cho người dân gắn bó với cây trồng này, ngay từ đầu năm, lãnh đạo huyện Mường Ảng đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt; một mặt tiến hành các bước xây dựng thương hiệu, khẳng định vị trí của cây cà phê Mường Ảng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt khác cử các đoàn công tác đi Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh... để tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm và kêu gọi đối tác đầu tư, thu mua sản phẩm. Bằng sự quyết tâm đó, đã có những công ty chế biến, xuất khẩu sẵn sàng hợp tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm cà phê Mường Ảng ngay từ niên vụ 2017 - 2018. Ngày 9/10/2017, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về việc hướng dẫn chế biến, mua, bán cà phê trấu niên vụ 2017 - 2018; ngày 16/10, ban hành Quyết định số 1714/QÐ-UBND về việc thành lập các tổ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân mua bán cà phê trấu niên vụ 2017 - 2018. Theo đó, gần 30 cán bộ, công chức được trưng tập từ các xã, phòng, ban chuyên môn của huyện được phân công nhiệm vụ cụ thể để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu hái, sản xuất và chế biến đúng cách để cà phê đảm bảo chất lượng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường; hướng dẫn người dân tiếp cận đơn vị thu mua, kiểm soát thị trường không để tư thương ép giá, mặt khác thông báo công khai giá thu mua cà phê hàng ngày đến người dân.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thanh Hải, chia sẻ: Việc triển khai hiệu quả kế hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng; vừa mở ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, vừa đảm bảo cho người trồng cà phê bán được sản phẩm sát giá thị trường. Muốn làm được như vậy, người dân phải thu hái đúng kỹ thuật, chế biến đúng cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu cây cà phê Mường Ảng. Ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực trong triển khai Kế hoạch này cho biết: Trong trường hợp các doanh nghiệp, đại lý thu mua với giá thấp hơn so với giá các đối tác của huyện cung cấp thì các tổ công tác của huyện sẽ đứng ra thu mua cho người dân. Theo đó, các điểm thu mua sẽ được đặt tại: Nhà văn hóa bản Cang, xã Ẳng Nưa; gian hàng giới thiệu sản phẩm cà phê Mường Ảng và trưng dụng một số địa điểm khác nếu cần thiết... 

Từ nhiều năm qua, huyện Mường Ảng đã và đang nỗ lực để đảm bảo số diện tích cà phê đã cho thu hoạch nói trên được giữ vững và phát triển. Bởi cây cà phê luôn là “cây mũi nhọn” trong kế hoạch của huyện. Ðể xác nhận điều này, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Ðức Lợi, Chủ tịch Hội cà phê Mường Ảng, được ông Lợi chia sẻ, niên vụ 2017 này, hiệu ứng kinh tế mang tính xã hội mạnh mẽ đang được tạo ra, đó chính là trên dưới 70 tỷ đồng tiền công thu hái cà phê chín mà các chủ bãi đem đến cho người lao động. Ðó là chưa kể tiền chi cho chế biến, khuân vác, luân chuyển; tiền làm cỏ, tỉa cành, bón phân, phun thuốc…

Những ngày này, đi đến các phòng, ban của huyện Mường Ảng, chúng tôi đều được nghe những lời biểu thị với lòng quyết tâm: “Giữ vững diện tích và sản lượng cà phê hiện có!” để cây cà phê đem lại niềm vui đích thực cho người nông dân đã bao năm vất vả trên mảnh đất cằn...

Bài, ảnh: Thành Chương
Bình luận
Back To Top