Chủ động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

10:31 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 6782 In bài viết

ĐBP - Nói về công tác đấu tranh chống hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; ông Nguyễn Huy Cậy, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh cho biết: Càng dịp cuối năm, mức luân chuyển hàng hóa tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiêu thụ các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu “tuồn” vào thị trường với mục đích “trục lợi” từ người tiêu dùng. Dù tính chất các vụ việc không lớn nhưng diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng sử dụng các thủ đoạn vô cùng tinh vi khi “xé” lẻ hàng hóa, để lẫn với các hàng hóa khác… vận chuyển lên Ðiện Biên nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

Vụ việc 38kg xúc xích, 25kg chả mực trên bao bì, tem nhãn ghi chữ Trung Quốc được lực lượng quản lý thị trường và Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện, xử lý vào cuối tháng 9 vừa qua là một trong số những vụ việc điển hình trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Khi chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa này; lực lượng kiểm tra liên ngành đã kiên quyết xử phạt chủ lô hàng là bà Vũ Thị Huyền, trú tại phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) 1,6 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu và buộc chủ hàng tiêu hủy lô hàng.

 

Lực lượng quản lý thị trường (Chi cục Quản lý thị trường) và cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra lô hàng xúc xích nhập lậu của chủ hàng Vũ Thị Huyền (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: C.T.V

Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa và trên tất cả các lĩnh vực, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả; công khai đường dây “nóng” tiếp nhận thông tin tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Từ đó đã đem lại kết quả tích cực góp phần bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường, chống thất thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo công bằng trong hoạt động thương mại. Riêng trong tháng 10 lực lượng quản lý thị trường trong toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính 82 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 47 triệu đồng; tiêu hủy hàng hóa vi phạm với tổng số tiền trên 9,5 triệu đồng với các hành vi buôn lậu, vi phạm trong lĩnh vực giá, vi phạm trong kinh doanh, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi vi phạm khác.

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trong tháng 10/2017 các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã phát hiện, xử lý 24 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 91 vụ gian lận thương mại. Chú trọng công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Trong đó tập trung vào các mặt hàng trọng điểm thường được buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới trên địa bàn, như: ma túy, gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm, pháo các loại… và chống thẩm lậu vào nội địa các mặt hàng tạm nhập tái xuất. Cục Hải quan Ðiện Biên phát hiện và xử lý 2 vụ, 2 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 triệu đồng về hành vi vi phạm quy định về hải quan; thu giữ 15,5kg thuốc tân dược màu trắng dạng nén có chữ ABC và 1 xe máy nhãn hiệu WAVE không biển kiểm soát chuyển cơ quan chức năng xử lý, tiêu hủy.

Chủ động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng dịp cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh chỉ đạo các ban, ngành thành viên chủ động theo dõi diễn biến tình hình “cung” - “cầu” hàng hóa trên thị trường, nhất là với những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh gây mất ổn định thị trường để có giải pháp xử lý, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa. Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiếp tục ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; đồng thời kiểm tra việc thực hiện sau ký cam kết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top