Thêm niềm tin để người dân thoát nghèo

10:33 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 6131 In bài viết

ĐBP - Với phương châm “nhìn thẳng, nói thật” Ðảng bộ xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) đã có cái nhìn thắng thắn: Thực trạng xóa đói giảm nghèo những năm qua trên địa bàn xã là chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân…

Lý giải về nguyên nhân, ông Lò Văn Kiên, Bí Thư Ðảng ủy xã Chà Cang, cho biết: Là xã có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí hạn chế dẫn tới sản xuất manh mún, chủ yếu là tự cung, tự cấp, chưa có nhiều sản phẩm nông sản xuất ra thị trường. Ðặc biệt, đối với xã Chà Cang các hoạt động truyền thông về xóa đói giảm nghèo còn khiêm tốn, chưa thực sự đi vào thực tiễn nên việc “đánh thức” vai trò người dân trong công tác giảm nghèo chưa cao. Thêm nữa, một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn mang nặng tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo; cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể chưa cụ thể hóa những giải pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc dẫn tới tỷ lệ hộ tái nghèo cao.

 

Một góc chợ trung tâm xã Chà Cang.

Với quyết tâm vực dậy nền kinh tế, tiếp thêm động lực để người dân thoát nghèo, Ðảng bộ xã Chà Cang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2016 - 2020”; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 6 - 7%/năm. Ðể Nghị quyết đi vào cuộc sống, theo ông Lò Văn Kiên, xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là việc làm “then chốt” trong nhiệm kỳ của Ðảng bộ xã, do vậy để nâng cao hiệu quả trong việc giảm nghèo, trước nhất xã cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhằm đánh thức vai trò và ý thức người dân trong phát triển kinh tế “Khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng thành công”… Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí và khát khao của người dân, trên cơ sở nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện, nguồn lực xã hội hóa, Ðảng bộ xã đã vận dụng linh hoạt vào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông, thủy lợi, chỉnh trang cụm khu dân cư tạo môi trường sống lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa cho nhân dân. Ðồng thời, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và nguồn lực tại chỗ, tăng cường khai hoang, phục hóa diện tích lúa nước, ruộng bậc thang, giảm dần diện tích lúa nương; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng thương mại, dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế; phát triển sản xuất gắn với ổn định dân cư; với địa hình vùng cao nhiều bãi chăn thả và đồng cỏ, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch gắn việc chăn nuôi với quy hoạch từng vùng, từng bản, tổ chức chăn nuôi tập trung có chăn dắt, chuồng trại, hạn chế thả rông.

Ðặc thù là xã vùng cao, có nhiều diện tích đất đồi, để mang lại nguồn lợi kinh tế từ trồng rừng, Ðảng bộ xã tiếp tục quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, hoàn thành việc giao đất, giao rừng; phát động phong trào khoanh nuôi tái sinh, trồng mới các loại rừng; kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ nông dân trồng rừng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm... phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 80%. Cùng với đó, điều tra, đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng nguyên nhân cụ thể, như: Nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất... để có giải pháp giúp đỡ hiệu quả, phù hợp với từng hộ.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp thực tiễn gắn liền với cuộc sống và sản xuất của người dân, bức tranh về nền kinh tế - xã hội của Chà Cang sẽ có thêm nhiều gam màu sáng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng các cấp đề ra.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top