Kiểm soát chất lượng hàng hóa vùng cao còn nhiều khó khăn

10:39 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 6473 In bài viết

ĐBP - Với đặc thù địa bàn rộng, khoảng cách từ xã đến trung tâm huyện xa, dân cư không tập trung, đời sống còn gặp nhiều khó khăn; người dân hạn chế tiếp cận các thông tin hàng hóa và các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, nhất là tâm lý thích mua hàng giá rẻ. Vì thế thị trường vùng cao đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái tồn tại. Nếu không tinh mắt thì sẽ không nhận ra hàng giả, hàng nhái khi bao bì sản phẩm chỉ khác đôi chút về tên gọi, nhãn hiệu hoặc một điểm thay đổi nhỏ... Ví dụ bánh Choco-pie chính hãng của Orion được nhái tên thành Choco-pin, dầu gội đầu Sunsilk bị nhái thành Sunsilek, bột giặt Tide thì nhái thành Tise...

Tất cả các sản phẩm nhái này không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không gắn với hãng hay công ty nào, nếu có thì là những cái tên nào đó mà người dân tộc thiểu số vùng cao khó có thể biết được. Do đó, Ðội Quản lý thị trường số 2 (huyện Tuần Giáo) đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Qua đó góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng trên địa bàn huyện.

 

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 2 (huyện Tuần Giáo) kiểm tra nhãn mác hàng hóa tại cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn.

Theo thống kê, huyện Tuần Giáo có gần 700 cơ sở kinh doanh, trong đó chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể. Thực hiện chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND huyện về công tác tăng cường chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hàng năm Ðội quản lý thị trường số 2 xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường cụ thể. Thực hiện nghiêm kế hoạch, đội chủ động nắm tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và phổ biến pháp luật đến người dân, nhất là các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, những đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng… vẫn tìm mọi cách luồn lách, xâm nhập địa bàn. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 250 vụ, phát hiện và xử phạt 109 vụ vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước gần 67 triệu đồng. Trong đó vi phạm trong kinh doanh 6 vụ, an toàn thực phẩm 48 vụ, vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng 25 vụ và 30 vụ vi phạm khác về nhãn mác, hàng hóa không có hóa đơn, không nguồn gốc xuất xứ…

Ông Ðỗ Thanh Tùng, Ðội trưởng Ðội Quản lý thị trường số 2, cho biết: Do thiếu thông tin, ít hiểu biết về chất lượng hàng hóa, điều kiện kinh tế khó khăn, lại có tâm lý dễ dãi, thích hàng đẹp, giá rẻ… nên người tiêu dùng vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu thường là nạn nhân của số một các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các mặt hàng này thường được trà trộn với các sản phẩm chính hãng nên khó phát hiện. Hơn nữa, mỗi cửa hàng chỉ bán vài ba gói mì chính, mì tôm, gói dầu gội đầu… nên rất khó xử lý. Ðối với các quầy hàng lưu động thì càng khó xử lý vì loại hình này không cố định mà nay đây, mai đó. Bên cạnh đó, do lực lượng chức năng mỏng nên không thể kiểm tra, kiểm soát, thường xuyên địa bàn các xã vùng cao.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, Ðội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi tình hình cung - cầu, giá cả hàng hóa, tập trung vào các nhóm mặt hàng thiết yếu, các địa bàn trọng điểm. Phối hợp cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt hành chính và tịch thu, tiêu hủy sản phẩm giả, kém chất lượng; xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, để cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thật sự có hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong việc kiên quyết không tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Mà giải pháp quan trọng là chính quyền, các đoàn thể cơ sở cần vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm hàng hóa, quan tâm tới nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thay vì chỉ chú trọng tới giá cả, mẫu mã.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top