Triển vọng cây dong riềng trên đất Pú Nhi

11:18 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 8283 In bài viết

ĐBP - Mặc dù mới được đưa vào trồng gần 3 năm nay, nhưng cây dong riềng đang dần thay thế cho cây ngô, cây sắn và có xu hướng trở thành cây trồng chủ lực của nông dân xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông). Tại thời điểm này, xã Pú Nhi có 20 bản thì có tới 13 bản trồng cây dong riềng; tập trung nhiều nhất ở các bản: Háng Trợ A, Háng Trợ B, Háng Trợ C…

 

Gia đình ông Sùng Dúa Di, bản Háng Trợ A, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) thu gom củ dong riềng để bán cho thương lái. 

Thật may mắn khi chúng tôi được anh Hạng A Thái - cán bộ khuyến nông xã Pú Nhi - tình nguyện làm người dẫn đường đưa chúng tôi đến các bản: Háng Trợ A, B, C để tìm hiểu về cây dong riềng của người dân. Dọc 2 bên đường xuống bản, chúng tôi thấy trên các sườn đồi trồng dong riềng thấp thoáng bóng những người dân đang miệt mài thu hoạch củ. Theo chia sẻ của đồng chí cán bộ khuyến nông xã Pú Nhi thì những triền đồi này cách đây 1 đến 2 năm về trước là những nương ngô, nương sắn. Sau khi nhận thấy việc trồng dong riềng cho thu nhập cao hơn trồng lúa, trồng ngô, bà con bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây dong riềng; mới đầu chỉ một vài hộ trồng với diện tích nhỏ, sau rồi bắt chước nhau trồng theo với diện tích lớn dần thêm. Hiện toàn xã Pú Nhi có hơn 70ha cây dong riềng, trong đó bản trồng nhiều nhất là Háng Trợ C với hơn 40ha.

Khi mặt trời đã gần đứng bóng, chúng tôi có mặt tại nương dong riềng của gia đình ông Sùng Dúa Di, bản Háng Trợ A. Lúc này mọi người trong gia đình ông cũng đang tất bật thu hoạch củ dong riềng. Dừng tay một lát, ông Di vui vẻ cho chúng tôi biết, chính ông là người đầu tiên đem giống dong riềng về trồng tại bản và cũng là người đầu tiên trong xã trồng cây dong riềng. Đầu năm 2015, ông đến xã Mường Phăng, huyện Điện Biên để tìm hiểu cách trồng dong riềng của bà con người Thái; sau đó mua giống về trồng, với diện tích khoảng 1.000m2. Năm đầu tiên thu hoạch dong riềng, ông Di bán cho thương lái ở Mường Phăng đến tận nơi thu mua. Nhận thấy việc trồng dong riềng cho thu nhập cao hơn trồng lúa, trồng ngô, nên đầu năm 2016 ông quyết định mở rộng diện tích trồng dong riềng thêm khoảng 5.000m2. Thấy ông Di làm được, mọi người trong bản, trong xã bắt đầu đến học hỏi làm theo và mua lại giống của ông về trồng. Năm 2016, nhờ dong riềng được giá (3.600 đồng/kg) nên ông đã thu về trên 70 triệu đồng từ bán dong riềng. “Trồng dong riềng thu nhập hơn gấp nhiều lần so với trồng ngô, trồng sắn. Năm nay nhiều người dân ở đây không trồng ngô, sắn nữa, mà chuyển sang trồng cây dong riềng” - ông Sùng Dúa Di nói với chúng tôi như vậy.

Cũng theo ông Di, vụ dong riềng năm nay thu nhập sẽ không được cao như năm trước, bởi bị tư thương ép giá xuống còn 1.600 - 2.000 đồng/kg. Đây sẽ là sự thất thu lớn đối với người trồng dong riềng. Nhưng theo tính toán của ông Di, dù giá dong riềng có xuống đến 1.000 đồng/kg thì vẫn có lãi hơn so với trồng ngô, sắn và trồng lúa. Chính bởi vậy mà người dân ở đây đang có xu hướng chuyển từ trồng ngô, sắn sang trồng dong riềng.

 

Gia đình anh Hạng A Di, bản Háng Trợ C, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) thu hoạch dong riềng trên nương. 

Đến thăm nương dong riềng của gia đình anh Hạng A Di, bản Háng Trợ C, chúng tôi được anh Di cho biết, đây là vụ dong riềng đầu tiên của gia đình anh. Năm ngoái, mảnh nương này gia đình anh trồng ngô, nhưng thấy nhiều người dân ở đây chuyển sang trồng dong riềng; thương lái đến tận nơi thu mua, bán được giá, lợi nhuận cao hơn so với trồng cây lương thực khác, nên đầu năm 2017, anh Di đã mua giống dong riềng về trồng với diện tích khoảng 4.000m2. Khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch, anh hy vọng dong riềng năm nay cũng sẽ bán được giá như năm ngoái, để thêm chút trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Thế nhưng thực tế không như vậy, khi người dân bước vào trồng ồ ạt thì dong riềng lại tụt giá xuống bằng một nửa so với năm trước, khiến người trồng dong riềng không mấy được vui. “Giá dong riềng rẻ chúng tôi vẫn phải bán cho thương lái, trồng ra mà không bán thì biết để làm gì” - anh Hạng A Di chia sẻ.

Mặc dù năm nay dong riềng không được giá, nhưng các hộ trồng dong riềng đều khẳng định, vụ tới vẫn sẽ tiếp tục duy trì các diện tích hiện có, thậm chí mở rộng thêm diện tích trồng dong riềng để nâng cao thu nhập. Bởi họ cho rằng, dù có thế nào thì trồng dong riềng vẫn hơn trồng lúa, trồng ngô. Làm việc với ông Mùa Chồng Dính, Chủ tịch UBND xã Pú Nhi, chúng tôi được biết: “Từ năm 2016 đến nay, cây dong riềng bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn xã; nhiều người dân đã bỏ cây ngô, chuyển sang trồng cây dong riềng. Năm ngoái dong riềng được giá, có gia đình thu hàng trăm triệu đồng từ bán dong riềng, nhiều gia đình mua được xe máy nhờ dong riềng. Chỉ có điều là việc trồng dong riềng  hiện nay là tự phát, xã vẫn chưa chủ động để đưa cây dong riềng vào thành cây chủ lực, thay thế cây ngô, cây sắn; vì sợ đầu ra không ổn định. Nếu như Nhà nước có cơ chế gì đó, giúp ổn định giá cho đầu ra thì xã có thể đưa cây dong riềng vào làm cây trồng chủ lực, bởi loài cây này cho năng suất rất cao”.

Như vậy, hiện nay lợi ích kinh tế từ cây dong riềng là không thể phủ nhận. Mặt khác, cây dong riềng rất dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác trên cùng một diện tích canh tác hoặc cùng một số vốn đầu tư. Trên địa bàn tỉnh ta, những năm gần đây tại một số địa phương, cây dong riềng đang khẳng định ưu thế trong việc giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Đối với xã Pú Nhi hiện nay cũng vậy, để phát triển cây dong riềng theo hướng bền vững, người dân rất cần tới sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, tìm giải pháp giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm (củ dong riềng). Nếu làm được điều này, thì chắc chắn cây dong riềng sẽ trở thành cây có tiềm năng, thế mạnh, giúp người dân xã Pú Nhi chẳng những xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể làm giàu bền vững...

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top