Sơ chế cà phê gắn với bảo vệ môi trường

09:26 - Thứ Sáu, 10/11/2017 Lượt xem: 7875 In bài viết
ĐBP - Hầu hết các cơ sở chế biến cà phê ở Mường Ảng những năm trước đây đều gây ô nhiễm môi trường vì nước thải không được xử lý, trực tiếp xả thẳng ra môi trường; bã thải cà phê tồn dư bốc mùi hôi nồng, ảnh hưởng đến dân cư sinh sống xung quanh... Trước thực trạng đó, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ sơ chế xử lý bã cà phê và nước thải, thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường nên đã giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê.

 

Nông dân thị trấn Mường Ảng phơi cà phê.

Với hơn 3.300ha cà phê trong đó cơ bản là diện tích cà phê kinh doanh. Cà phê năm nay ở thung lũng “Mường Khoe” được mùa với năng suất gần 20 tạ/ha khiến người trồng cà phê phấn khởi. Song vụ thu hoạch cà phê cũng là chính là thời điểm sơ chế, chế biến cà phê nên vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời điểm này đặc biệt được người dân sống xung quanh các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê quan tâm. Với gần 300 hộ và 4 cơ sở có hoạt động sơ chế cà phê ướt trên địa bàn, thì vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở này; nhất là đối với các cơ sở chế biến lớn vào vụ thu hoạch là cả vấn đề nan giải nếu không có giải pháp thực hiện. Vì chế biến theo phương pháp ướt, tức là ngâm ủ rồi rửa nước. Mỗi tấn cà phê tươi tiêu thụ từ 2 - 4m3 nước. Việc sơ chế nếu không đúng quy trình, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, bã thải sẽ khiến môi trường ô nhiễm. Vì vậy, cùng với việc tập huấn công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong chế biến cà phê cho các hộ và các cơ sở chế biến cà phê, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng đã hướng dẫn chi tiết các hộ, các cơ sở phải làm ao, bể chứa nước thải, bể lắng lọc trước khi xả ra môi trường để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Không dừng ở việc tuyên truyền, vận động; Phòng còn yêu cầu các hộ ký cam kết và tiến hành kiểm tra đảm bảo các điều kiện mới cho sản xuất, nếu không sẽ kiên quyết xử lý vi phạm hành chính và bắt buộc dừng hoạt động. Thay vì xả thải bã, vỏ cà phê ra môi trường thì cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ sơ chế cà phê tận dụng nguyên liệu này ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo lợi ích “kép” cho người trồng cà phê.

Ðể nâng giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê trên địa bàn, huyện Mường Ảng khuyến khích và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã sản xuất kinh doanh cà phê, thông qua đó để hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đồng thời là “đầu mối” để tiếp nhận sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước. Ðẩy mạnh việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong nhân dân, trong các tổ chức và cá nhân có ý thức bảo vệ, giữ gìn vườn cây cà phê, tăng cường phối hợp các lực lượng có liên quan để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ các sản phẩm cà phê, nhất là trong thời điểm thu hoạch để bảo đảm chất lượng vườn cây và sản phẩm cà phê... Nhằm từng bước khắc phục những bất cập và đảm bảo về chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện Mường Ảng tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cà phê theo hướng bền vững. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn, nâng cao trình độ canh tác; huyện tích cực kêu gọi thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến cà phê, gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở cả hai cùng có lợi thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ; khuyến khích nông dân thực hiện các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động chế biến cà phê và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất cà phê.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top