Huyện Mường Nhé

Triển khai các giải pháp PCCCR mùa khô hanh

09:47 - Thứ Hai, 13/11/2017 Lượt xem: 7103 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên 156.908,13ha, trong đó: Diện tích đất có rừng 70.900,72ha; diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp 77.599,59ha. Tỷ lệ che phủ rừng 45,14%. Theo báo cáo của UBND huyện, bình quân mỗi năm trên địa bàn huyện xảy ra 200 - 250 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ và quản lý lâm sản. Trong đó, các vụ chặt phá, đốt rừng, làm nương chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ vi phạm. 10 tháng năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 174 vụ vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, có tới 148 vụ chặt phá, đốt rừng trái phép, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên 150ha. Cũng trong khoảng thời gian trên, địa bàn huyện phát hiện 357 điểm cháy được quan sát từ vệ tinh. Sau khi xác minh, kiểm tra ngoài thực địa, các cơ quan chức năng phát hiện 1 vụ cháy rừng với diện tích 3,172ha thuộc tiểu khu 96 khoảnh 10, rừng sản xuất thuộc bản Nậm Khum, xã Chung Chải.


Ðoàn công tác huyện Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Ðiện Biên) kiểm tra rừng tại khu vực giáp ranh giữa bản Phìn Khò, xã Mù Cả (huyện Mường Tè) và bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé).

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chặt phá, đốt rừng trên địa bàn là do ý thức của người dân chưa cao trong việc thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Phần lớn các vụ cháy rừng đều có nguyên nhân từ việc dùng lửa không đúng quy định: Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng của các cơ quan chức năng chưa nghiêm dẫn đến tình trạng người dân nhờn luật. Trước thực trạng chặt phá, đốt rừng trái phép làm nương trên địa bàn trong thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR. Theo đó, trước mùa khô hàng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch PCCCR kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Kế hoạch xây dựng chi tiết, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các bước triển khai nội dung PCCCR. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác PCCCR. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về hành vi bị nghiêm cấm; việc sử dụng lửa an toàn và tác hại của việc mất rừng; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng... và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR... Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức được 188 cuộc họp dân tuyên truyền các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, với tổng số 8.312 người dân tham gia; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền không được phá rừng; toàn huyện có 5.988 người dân ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR và không di cư tự do. Bên cạnh đó, UBND huyện còn chú trọng thực hiện xây dựng và vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; hướng dẫn thôn, bản xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR. Những năm gần đây, UBND huyện đã dành khá nhiều vốn ngân sách mua sắm trang thiết bị PCCCR cấp cho các cơ quan chuyên môn và các tổ, đội PCCCR cơ sở. Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR cấp huyện; 11 ban chỉ đạo cấp xã; 2 ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng, PCCCR (Ban Quản lý khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé và Công ty Cao su Mường Nhé); củng cố kiện toàn 118 tổ, đội PCCCR với số lượng từ 10 - 15 thành viên/tổ, đội. Tại các điểm “nóng” thường xảy ra chặt phá rừng, các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn, diễn tập PCCCR; hướng dẫn nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định khi dùng lửa trong rừng; tạo đường băng cản lửa khi đốt nương; huy động nhân lực, vật lực theo phương án “4 tại chỗ” khi xảy ra cháy rừng... 

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top