Núa Ngam, nhiều hộ thoát nghèo từ chăn nuôi đại gia súc

10:05 - Thứ Tư, 15/11/2017 Lượt xem: 7354 In bài viết
ĐBP - Xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên có 12 bản, trong đó có 2 bản vùng cao, 834 hộ. Tận dụng đất đai sẵn có, Hội Nông dân xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi những diện tích đất nương ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng rừng kết hợp với trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc. Nhờ cách làm này, đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã Núa Ngam đã có trên 1.878 con; trong đó: đàn trâu 831 con, đàn bò 647 con, đàn dê trên 400 con.

Anh Nguyễn Văn Cường, thôn Hợp Thành cho biết: Năm 2014 được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển nuôi bò sinh sản và được các thành viên trong chi hội thường xuyên giúp đỡ trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất, đến nay gia đình tôi có 10 con bò sinh sản.

Gia đình ông Lò Văn Hiêng ở bản Na Sang 2 cũng vậy. Với lợi thế có bãi chăn thả rộng nhờ việc nhận chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng nên gia đình ông đã mạnh dạn vay tiền để tập trung chăn nuôi trâu, bò. Hiện tại, đàn trâu, bò của gia đình ông có trên 10 con, trị giá vài trăm triệu đồng, đàn lợn lúc nào cũng có từ 15 - 20 con.

Bản Ten Núa có 91 hộ, với tổng đàn đại gia súc gần 670 con, trong đó đàn trâu 255 con, đàn đê trên 400 con. Tính trung bình mỗi hộ dân trong bản nuôi từ 2 - 4 con trâu và trên 10 con dê, hộ nuôi nhiều nhất là 50 con. Theo anh Lò Văn Chấp, chi hội trưởng chi hội nông dân bản: Nhờ chăn nuôi đại gia súc mà kinh tế của hội viên trong chi hội được nâng lên. Ðặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều hộ dân trong bản đã chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc manh mún, nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Chăn nuôi gia súc không chỉ giúp bà con đảm bảo sức kéo và cung cấp nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp mà nhiều hộ nhờ bán trâu, bò đã làm được nhà cửa, mua sắm vật dụng gia đình, mua được máy phay, máy tuốt. Ðiển hình như gia đình anh Lò Văn Hươi, ông Lò Văn Lu… Từ đầu năm đến nay, trong bản có 6 hộ thoát nghèo, kinh tế gia đình từng bước ổn định, đời sống được nâng  lên.

Với quan điểm phát triển chăn nuôi toàn diện, tăng cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là chăn nuôi trâu, bò, dê và lợn có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tạo giống, tăng năng suất, sản lượng và chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, xã Núa Ngam đã có Nghị quyết chuyên đề về việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ðể thực hiện hiệu quả Nghị quyết, xã tăng cường công tác chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; lựa chọn đàn trâu, bò đực giống có chất lượng tốt để làm cơ sở cải tạo đàn trâu, bò địa phương. Ðồng thời, hướng dẫn kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn dự trữ rơm, cỏ khô, kỹ thuật ủ rơm để tận dụng các nguồn phụ phẩm nông sản tại chỗ làm thức ăn cho gia súc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Biết khai thác điều kiện tự nhiên và chú trọng áp dụng kỹ thuật nên việc chăn nuôi đại gia súc ở xã Núa Ngam đã và đang có bước phát triển khá, là một trong những hướng đi đúng, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.

Nguyễn Thị Tuyết (Hội Nông dân tỉnh)
Bình luận
Back To Top