“Tiếp sức” tạo dựng việc làm cho người lao động

09:36 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 7268 In bài viết
ĐBP - Với đặc thù của tỉnh vùng cao, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp “có tầm”; số nhà máy, xí nghiệp thu hút, giải quyết  việc làm cho người lao động vô cùng khiêm tốn. Chính vì vậy vấn đề giúp người lao động tự tạo việc làm luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Và việc tiếp cận được với đồng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm giúp người lao động quay vòng vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh đã giải được “bài toán” mấu chốt, góp phần quan trọng để người lao động tạo dựng việc làm, có thu nhập ổn định.

 

Ðược vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green Ðiện Biên tạo việc làm cho 6 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Trong ảnh: Công nhân Công ty thu hái nông sản.

Phát huy sứ mệnh “tiên phong” giúp người lao động tự tạo việc làm, những năm qua đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh thông qua các “kênh” của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã đến được với những người cần vốn, góp phần giải quyết cơn “khát” vốn trong sản xuất kinh doanh và đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội đáng ghi nhận. Minh chứng cho điều đó là đến nay đã có hơn 115.000 lượt lao động trong toàn tỉnh đã có việc làm, duy trì và mở rộng việc làm khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Dư nợ từ nguồn vốn này hiện đạt hơn 80 tỷ đồng với hơn 2.530 khách hàng. Ông Ðàm Xuân Triệu, Giám đốc Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh cung cấp thêm cho chúng tôi khá nhiều thông tin thú vị từ chính sách tín dụng này. Ðó là từ năm 2005, chương trình cho vay giải quyết việc làm để tạo thêm việc làm mới thực hiện theo chương trình Quỹ quốc gia về việc làm được quản lý theo cơ chế mới được quy định tại Quyết định số 71/2005/QÐ - TTg ngày 5/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Và sau 10 năm, tức là đến năm 2015 được thực hiện theo Nghị định 61/2015/NÐ - CP của Chính phủ quy định về chính sách tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm không chỉ nâng cao rõ rệt hiệu quả quản lý mà đối tượng tiếp cận nguồn vốn được nới rộng hơn, mức tiền vay cao hơn thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người lao động trong quá trình hạch toán đầu tư sản xuất kinh doanh. Từ đó đã hoàn thành được mục tiêu đề ra là hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động nhằm hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Theo cơ chế cho vay mới tại Nghị định 61 của Chính phủ đã thể hiện được một số nội dung ưu việt hơn, đó là đối tượng khách hàng được vay vốn giải quyết việc làm mở rộng hơn, gồm: các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số theo quy định… đã góp phần phát huy tối đa tiềm năng, tận dụng điều kiện sản xuất kinh doanh hiện có của nhiều thành phần kinh tế để tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Mức cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa là 1 tỷ đồng/dự án và không quá 50 triệu đồng cho 1 lao động được tạo việc làm. Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng và thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách - Xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn. Ðiều này khá “linh động” thuận lợi cho đối tượng vay vốn lựa chọn, sử dụng nguồn vốn vay để quay vòng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green Ðiện Biên cho biết: Nhờ được vay 198 triệu đồng (cuối năm 2016) từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia việc làm của Ngân hàng Chính sách - Xã hội qua “kênh” của Hội phụ nữ. Chị đã mở rộng quy mô đầu tư trang trại trồng cây ăn quả, trồng thực phẩm sạch từ rau xanh, củ quả và thuê mặt bằng cửa hàng bày bán thực phẩm sạch cung cấp ra thị trường với số lượng khá lớn. Không chỉ tạo việc làm cho bản thân và 6 lao động làm việc thường xuyên trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ðầu tháng 10 vừa qua Công ty đã ký hợp đồng với Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc bao tiêu toàn bộ sản phẩm thóc Bắc thơm số 7 cho người dân tham gia Dự án Xây dựng mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc ở vùng lòng chảo Mường Thanh vụ đông xuân năm 2017 - 2018, góp phần từng bước xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, giúp nông dân tăng lợi nhuận, nâng cao chuỗi giá trị của lúa gạo.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61 của Chính phủ còn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Với đối tượng tiếp cận vốn vay ưu đãi được mở rộng từ học sinh các trường trung học phổ thông, thanh niên đang học tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến hỗ trợ thanh niên đã tốt nghiệp cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra còn được hỗ trợ rất nhiều nội dung liên quan, như: định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về việc làm, nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc và làm việc; tham gia chương trình thực tập làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức…

Bài, ảnh: Minh Thuỳ
Bình luận
Back To Top