Tủa Chùa đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn

10:18 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 6389 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT), huyện Tủa Chùa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn có việc làm, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, tiến tới xóa đói giảm nghèo.

Ðể nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LÐNT, hàng năm, căn cứ vào quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương, nguồn vốn được giao và nhu cầu đào tạo nghề thực tế tại địa phương, UBND huyện Tủa Chùa phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch đào tạo nghề cho LÐNT. Ðồng thời, phối hợp với các cấp chính quyền và đoàn thể đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, định hướng ngành nghề cụ thể cho từng lao động, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Nhờ đó, các lớp dạy nghề đã bám sát với điều kiện kinh tế, sản xuất thực tế của địa phương, học viên được học và thực hành ngay tại chỗ giúp tiếp thu nhanh, vận dụng có hiệu quả các kiến thức được học vào thực tiễn.

 

Sau khi học lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng trọt, học viên xã Tủa Thàng áp dụng vào trồng ngô.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tủa Chùa, cho biết: Trong quá trình mở các lớp đào tạo nghề cho LÐNT, nhất là đối với các nghề nông nghiệp, Trung tâm thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, gồm: tuyển sinh tại chỗ, đào tạo tại chỗ, cấp phát chứng chỉ tại chỗ; khuyến khích, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh; các nghệ nhân... cùng tham gia dạy nghề cho LÐNT, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2017, Trung tâm được UBND huyện Tủa Chùa giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho LÐNT là 580 học viên. Tính đến hết tháng 10/2017, Trung tâm đã tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh và mở được 10 lớp với 344 học viên (gồm 1 lớp nghề phi nông nghiệp, 9 lớp nghề nông nghiệp) đạt 59,31% so với kế hoạch, trong đó: trình độ sơ cấp nghề 1 lớp, với 34 học viên và 9 lớp dạy nghề dưới 3 tháng với 310 học viên.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, ngoài phần lý thuyết thì những giờ thực hành, các học viên, đặc biệt các lớp về nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi còn được giảng viên hướng dẫn cụ thể về cách tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, chất lượng dạy nghề đạt kết quả khả quan, đem lại hiệu ứng thiết thực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo thống kê, đánh giá, trên 70% học viên sau các khóa đào tạo đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế sản xuất, áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, cũng như mở cửa hiệu làm nghề sửa chữa xe máy, nông cụ... Cũng từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất được đánh giá khá hiệu quả. Ðiển hình, mô hình nuôi gà lai chọi tại thôn Ðun, Ðề Tâu; mô hình trồng khoai tây trên đất 2 vụ lúa tại thôn Loọng Phạ, xã Mường Ðun. Với một số địa phương có thế mạnh về cây chè, như: Sính Phình, Sín Chải, Tả Phìn... qua các khóa học về kỹ thuật trồng và khai thác chè cây cao, người dân đã biết áp dụng kiến thức tăng năng suất cây trồng và giảm nhân công, chi phí lao động.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dạy nghề cho LÐNT trên địa bàn huyện Tủa Chùa, người lao động đã có thay đổi tích cực trong nhận thức về lao động có tay nghề, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người lao động có nghề ổn định để phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top