Các nguồn vốn vay qua kênh đoàn thanh niên

Góp phần giải quyết việc làm tại địa phương

09:44 - Thứ Tư, 22/11/2017 Lượt xem: 6551 In bài viết

ĐBP - Cùng với các hoạt động xung kích tình nguyện vì cộng đồng, đoàn thanh niên các cấp còn là cầu nối, điểm tựa giúp đỡ đoàn viên thanh niên (ÐVTN) “lập thân, lập nghiệp”, giải quyết việc làm, làm giàu chính đáng thông qua nhiều chương trình, mô hình, dự án. Trong đó, phổ biến và thiết thực nhất đối với ÐVTN là hoạt động hỗ trợ vay vốn ưu đãi: Vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Quỹ Quốc gia về việc làm.

 

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Trần Văn Cường, đội 18, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Bảo Anh

Từ khi được NHCSXH ủy thác cho vay, đoàn các cấp đã tiếp nhận và triển khai cho ÐVTN hộ nghèo, cận nghèo và chính sách có điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 567 tổ tiết kiệm và vay vốn do đoàn thanh niên quản lý, ủy thác vay vốn từ NHCSXH cho 19.278 gia đình với tổng dư nợ trên 591 triệu đồng. Tỉnh đoàn cũng xét chọn cho 3 hộ ÐVTN vay tổng số tiền 277 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm qua kênh Trung ương Ðoàn (2 dự án phát triển kinh tế nhỏ lẻ, 1 dự án vay sản xuất kinh doanh dịch vụ). Nhờ các nguồn vốn này, nhiều người dân, đặc biệt là ÐVTN tự tạo được việc làm, có cuộc sống ổn định; nhiều gia đình có cơ hội đầu tư, mở rộng mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.

Một trong những ÐVTN sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức đoàn là anh Trần Văn Cường, đội 18, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên). Anh Cường cho biết: Trước đây, gia đình tôi khó khăn, muốn phát triển kinh tế nhưng không có vốn, phải đi làm thuê bên ngoài. Năm 2012, qua kênh của đoàn thanh niên, tôi được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Nhờ nguồn vốn ưu đãi đó, kinh tế gia đình tôi dần ổn định, không còn cảnh làm thuê nay đây mai đó. Ðến nay, vợ chồng tôi có 700m2 chuồng trại, nuôi 50 con lợn thịt và trên 100 con gia cầm. Ngoài ra, tôi trồng 2.500m2 rau màu các loại, nhận thầu gần 6.000m2 ao nuôi cá. Trừ chi phí, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Trong 3 ÐVTN của tỉnh được xét duyệt vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm có 1 dự án sản xuất kinh doanh dịch vụ được vay đến 200 triệu đồng. Ðó là mô hình kinh tế của anh Vũ Văn Bình, đội 5 xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên. Khởi nghiệp từ chăn nuôi và mở cửa hàng xay xát lương thực, đến năm 2015, anh Bình nhận thấy nhu cầu của thị trường ngoại tỉnh về gạo Ðiện Biên cao nên đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng mở rộng kinh doanh, vừa làm dịch vụ vừa thu mua thóc trên địa bàn, rồi xay xát xuất bán cho các đại lý, tư thương trong và ngoài tỉnh. Không tính phục vụ nhu cầu bà con, riêng gia đình anh Bình xát bán trung bình hơn 200 tấn gạo/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động tại địa bàn. Tháng 8/2017, sau 2 năm “ăn lên làm ra” từ đồng vốn vay, anh đã hoàn trả đầy đủ gốc và lãi cho ngân hàng. Hiện tại Tỉnh đoàn đang tích cực phối hợp với Chi nhánh NHCSXH tỉnh xét duyệt, hướng dẫn 1 hộ gia đình ÐVTN tại huyện Mường Ảng về thủ tục, hồ sơ vay vốn đối với dự án khả thi mới.

Cùng với việc nhận ủy thác, kết nối nguồn vốn vay, các cơ sở đoàn còn chú trọng hướng dẫn cho ÐVTN, nhất là thanh niên nông thôn sử dụng nguồn vốn thế nào cho hiệu quả thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất… Từ đầu năm 2017 đến nay, đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tham quan học hỏi mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ… cho hơn 1.000 lượt học sinh, sinh viên, ÐVTN. Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức tuyên truyền xuất khẩu lao động, việc làm trong nước cho 250 ÐVTN huyện Tủa Chùa; khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của trên 500 ÐVTN các huyện, thị xã, thành phố và các trường cao đẳng chuyên nghiệp trong tỉnh; đăng cai giao ban hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác. Với nhiều hoạt động phong phú, phù hợp nhằm đồng hành với thanh niên trên con đường khởi nghiệp, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, có mức thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên, như: Mô hình trang trại và dịch vụ vận tải của đoàn viên Lò Văn Tin, xã Mường Thín (huyện Tuần Giáo); mô hình trồng cỏ nuôi bò của đoàn viên Bạch Thị Yến Ly, xã Háng Lìa (huyện Ðiện Biên Ðông); mô hình sản xuất, chăn nuôi của đoàn viên Lường Văn Niểm, bản Nà Lấu, xã Búng Lao, (huyện Mường Ảng); mô hình chăn nuôi của đoàn viên Lê Minh Tân, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo)…

Qua kết nối của đoàn thanh niên các cấp, hàng nghìn ÐVTN không kể vùng cao hay vùng thấp trong tỉnh có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ đó vấn đề người dân không có việc làm ở một số địa bàn được giải quyết. Hơn nữa, nhiều ÐVTN không chỉ tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình mà còn giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động địa phương; góp phần gây dựng phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội tại nơi mình sinh sống.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top