Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới

09:45 - Thứ Năm, 23/11/2017 Lượt xem: 7119 In bài viết
ĐBP - Ngày 9/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án 1573/QÐ-TTg về xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Ðiện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020. Ðề án được triển khai trên địa bàn 29 xã biên giới thuộc 4 huyện: Ðiện Biên (12 xã), Mường Chà (3 xã), Nậm Pồ (8 xã) và Mường Nhé (6 xã). Sau hơn 1 năm thực hiện, việc xây dựng NTM tại các xã biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Hà Xuân Mừng, Phó Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Sau hơn 1 năm thực hiện Ðề án 1573/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết quả thu được rất khiêm tốn; quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân chính là do nền tảng để triển khai rất yếu. Xuất phát điểm của đa số các xã biên giới còn thấp, trong khi nguồn lực đầu tư của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Ðến nay, Ðề án được bố trí 30 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình xây dựng NTM năm 2017; chưa bố trí vốn đầu tư cho nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội (chiếm 9/19 tiêu chí). Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn sử dụng nguồn vốn của các cấp, ngành Trung ương chậm, các xã lúng túng trong triển khai thực hiện. Do đó, tiến độ giải ngân vốn chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư. Ðến hết tháng 10/2017, các xã biên giới mới giải ngân được 2 tỷ đồng, đạt 6,67%.

 

Người dân xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) chung tay xây dựng nông thôn mới.

Trong số 30 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM năm 2017 theo Ðề án 1573/QÐ-TTg, 18,14 tỷ đồng để hỗ trợ mô hình sản xuất; 2,07 tỷ đồng cho đào tạo nghề lao động nông thôn và hỗ trợ cải thiện môi trường nông thôn 9,79 tỷ đồng. Nguồn vốn được phân về các huyện, sau đó UBND huyện phân bổ về các xã triển khai thực hiện theo mục tiêu của Ðề án. Theo đó, mỗi xã được cấp trên 600 triệu đồng để xây dựng 2 mô hình hỗ trợ sản xuất; 1 mô hình bảo vệ môi trường và tổ chức đào tạo nghề tại xã. Tuy nhiên, do các văn bản hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp chậm nên hầu hết các xã đều lo thực hiện chưa sát với chủ trương nên chậm hoặc chưa triển khai. Ðến nay, chỉ có xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) và một số xã của huyện Ðiện Biên đã triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất; còn lại đều đang chờ hướng dẫn.

Xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) là 1 trong 7 xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh năm 2017. Ðến nay, xã mới đạt 10/19 tiêu chí. Ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Năm nay, xã được cấp 750 triệu đồng vốn sự nghiệp theo Ðề án 1573/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được phân bổ vốn, kết hợp với nguồn hỗ trợ sản xuất của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2017, xã xây dựng 8 mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng, tổng diện tích 29,4ha với 294 hộ tham gia. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 2 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy là 1 trong 7 xã điểm của tỉnh nhưng Sín Thầu không thể hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2017. Ðến 31/12/2017, xã phấn đấu đạt từ 14 - 15 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt xin nợ để hoàn thiện vào các năm tiếp theo. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, nhất là vốn đầu tư để thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo quy định, xã Sín Thầu được thụ hưởng vốn đầu tư từ 2 nguồn: Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Ðề án 1573/QÐ-TTg. Song thực tế, nguồn vốn phân bổ hàng năm rất hạn hẹp nên rất khó khăn để xã thực hiện các tiêu chí về hạ tầng.

Thực hiện Ðề án 1573/QÐ-TTg, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, có 7 xã biên giới đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã đạt 16 tiêu chí; 5 xã đạt 13 tiêu chí; 5 xã đạt 12 tiêu chí; 7 xã đạt 11 tiêu chí; 2 xã đạt 10 tiêu chí; bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã. Ðể đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, giao đất sản xuất nông nghiệp trên nương, giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp để nhân dân ổn định sản xuất; khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng mới; khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạnh các vùng trồng cây công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi. Ðồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm giải “bài toán” về vốn, tạo điều kiện cho các xã biên giới đạt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top