Động lực nào cho tăng trưởng bền vững?

14:41 - Thứ Sáu, 24/11/2017 Lượt xem: 5859 In bài viết
Hiện tại đã là giai đoạn cuối quý IV-2017, chuẩn bị bước vào năm kế hoạch tiếp theo - năm 2018, với nhiều kỳ vọng, mục tiêu mới. Vấn đề đặt ra là động lực nào để tăng trưởng kinh tế bền vững khi năm 2017 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là xét trong bối cảnh không ít thách thức, khó khăn và thiên tai liên miên...

Khắc phục hạn chế

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để đạt được khát vọng tăng trưởng năm 2018, các cơ quan hữu trách cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm gia tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực sản xuất công nghệ cao, chế biến và dịch vụ, thay vì khai thác tài nguyên. Nghiên cứu kỹ, xác định lợi thế và bất lợi của Việt Nam trước "làn sóng" Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó chú trọng thỏa đáng đến yêu cầu về nguồn nhân lực, thay đổi cách tiếp cận gắn liền với cách điều hành của hệ thống cơ quan quản lý để nâng cao chất lượng lao động. Tất cả nhằm tạo ra xung lực mới, có tác dụng kích đẩy, cải thiện chất lượng và năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là hai tiêu chí quan trọng hàng đầu, nhưng Việt Nam đang đứng ở thứ hạng thấp so với khu vực và thế giới. Cũng cần xác định rõ, nếu không nhanh chóng xoay chuyển tình thế, chậm đổi mới thì nền kinh tế nước ta sẽ mất cơ hội để bứt phá.

 

Nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, cải thiện năng suất lao động sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Tiếp đó là việc tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh tuy đã được cải thiện liên tục, đạt những kết quả nhất định và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, song vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo hoặc với nội dung không cần thiết vẫn tiếp diễn, gây bức xúc cho các đơn vị kinh doanh; trong khi Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành thường xuyên tập trung rà soát và kiến nghị bãi bỏ những quy định không cần thiết. Đơn cử, hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành vẫn khá phổ biến, nhưng chỉ phát hiện chưa quá 1% có vi phạm. Vấn đề không còn là nhỏ khi có tới 100 nghìn loại hàng hóa thuộc diện quy định kiểm tra. Rõ ràng, các doanh nghiệp phải chịu thiệt hại về thời gian và chi phí một cách không đáng có.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong khi Chính phủ luôn tỏ rõ quan điểm và khẳng định mục tiêu kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp nhưng tại không ít địa phương, lĩnh vực, các cấp thừa hành, cơ quan trực tiếp giải quyết thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả. Nói cách khác là chưa có sự chuyển biến “đồng tốc” giữa các cấp, dẫn đến sự hạn chế về chất lượng điều hành và sự tiến bộ của môi trường kinh doanh.

Hướng tới một năm thành công

Năm 2018 sẽ hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% so với năm 2017. Tuy nhiên, nét mới trong công tác hoạch định kế hoạch là xác định mục tiêu theo cách linh hoạt, dự phòng những diễn biến khó lường, thiên tai có thể xảy ra bất ngờ, kéo lùi tốc độ tăng trưởng GDP. Chính phủ xác định không quá chú trọng vào tốc độ tăng trưởng thuần túy theo hướng năm sau cao hơn năm trước, mà thay vào đó là hiệu quả kinh tế tổng hợp và chất lượng của tăng trưởng, bên cạnh bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung “thổi bùng” những "điểm sáng" của năm 2017. Đó là kết quả tích cực trong hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, vốn đang trên đà tăng trưởng ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Thực tế, khu vực này đang được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng tương xứng với vai trò trong nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động triển khai tốt trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp; trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị. Đặc biệt, cần lấy hiệu quả thực hiện nội dung Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Chính phủ làm thước đo để so sánh. Thực tế cũng cho thấy, xu hướng gia tăng đăng ký thành lập doanh nghiệp dân doanh sẽ tiếp diễn trong năm 2018 và ghi dấu ấn về kết quả huy động vốn trong dân. Chính phủ cũng tăng cường chỉ đạo và kiên quyết thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng tốc độ thoái vốn để tạo cơ hội xã hội hóa đầu tư; huy động thêm vốn xã hội cho phát triển kinh tế.

Năm 2018 sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng giữa Việt Nam và đối tác quốc tế, trong đó gắn liền hoạt động đối ngoại và hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại song phương. Dự báo các nhà đầu tư từ Mỹ, EU, Nhật Bản... nhất là các đối tác là thành viên APEC sẽ tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam - như một hiệu ứng tất yếu tiếp theo của Tuần lễ Cấp cao APEC vừa diễn ra thành công ở Đà Nẵng. Như vậy, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng hứa hẹn những kết quả tích cực và khu vực này sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top