Xóa đói giảm nghèo

Không đơn giản là hỗ trợ đúng đối tượng

08:57 - Thứ Hai, 27/11/2017 Lượt xem: 5683 In bài viết
ĐBP - Tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh ta theo kết quả rà soát năm 2016 là 44,82%, dự ước năm 2017 giảm còn 41,64% (giảm khoảng 3,18%). Với tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất cả nước, việc áp dụng chính sách hỗ trợ để người dân giảm nghèo bền vững là việc làm cấp bách, là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh. Tuy nhiên, để chính sách mang lại hiệu quả như mong muốn thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

 

Người dân bản Xuân Tươi, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) tận dụng nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo để phát triển chăn nuôi.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên hiện được hưởng 4 chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin và truyền thông) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017, với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong năm là trên 326,1 tỷ đồng. Ðối với hộ nghèo thuộc các huyện 30a, theo kế hoạch vốn giao năm 2017 là trên 155,6 tỷ đồng, gồm các hạng mục hỗ trợ như: đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ lao động xuất khẩu. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a (Quyết định 293/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) được giao tổng vốn gần 26,7 tỷ đồng. Hộ nghèo còn được hưởng Chương trình 135 (vốn giao trên 136,9 tỷ đồng). Ngoài ra còn 6 chính sách hỗ trợ khác gồm: hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; hỗ trợ tiền điện; trợ giúp pháp lý; bảo trợ xã hội; dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ trực tiếp và một số đề án, dự án hỗ trợ áp dụng tùy loại hình đối tượng; tổng giá trị khoảng trên 250 tỷ đồng cùng trên 2.000 tấn gạo.

Như vậy, tính sơ bộ tổng cộng nguồn lực đầu tư cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 (chưa tính các nguồn huy động, hỗ trợ đột xuất, nguồn từ thiện…) vào khoảng gần 900 tỷ đồng; chia bình quân cho 54.723 hộ nghèo toàn tỉnh sẽ đạt trên 16 triệu đồng/hộ. Ông Lã Duy Nam, cán bộ bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chủ trương của Ðảng, chính sách của Chính phủ đối với hộ nghèo nhằm đảm bảo mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo sự công bằng, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, áp dụng các chính sách sao cho đúng đối tượng, đạt hiệu quả mang tính bền vững mới là vấn đề quan trọng cốt lõi.

Thời gian qua, dư luận trong nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về vấn đề “giống hỗ trợ hộ nghèo đi nhầm vào nhà cán bộ”. Phải khẳng định sự việc này có thật nhưng chỉ là thiểu số, những cán bộ cố tình làm sai sớm hay muộn cũng bị người dân phát giác, cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc để lấy lại tài sản của Nhà nước và lòng tin trong nhân dân. Hiện nay, đối với một số địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, có nhiều người mắc tệ nạn xã hội (nghiện ma túy), tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những yếu tố phức tạp - một số ý kiến cho rằng cần hạn chế hỗ trợ đối với nhóm nghèo này bởi “hỗ trợ người nghèo do nghiện ma túy thì chẳng khác gì đổ muối xuống biển” có cung cấp số lượng bao nhiêu và kéo dài bao lâu thì họ vẫn cứ “nghèo bền vững”, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ thoát nghèo! Ðây là một bài toán khó trong xây dựng chính sách vì suy cho cùng, người nghiện ma túy cũng chỉ là những “nạn nhân” và họ cần được xã hội, cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ, tìm cách đưa họ thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy để lao động, sản xuất. Thực tế đã chứng minh, khi người nghiện ma túy bị kỳ thị, đẩy ra khỏi cộng đồng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về an ninh trật tự.

Cũng là câu chuyện từ cơ sở, phải thừa nhận hiện nay nhận thức của một số người dân ở vùng cao nói chung, người nghèo nói riêng còn rất hạn chế, sự trông chờ, ỷ lại vẫn bám sâu trong tư tưởng đã dẫn đến việc có lãnh đạo cơ sở còn đề nghị tỉnh rút bớt chính sách hỗ trợ. Có một trường hợp đã thành “giai thoại” về tư tưởng trông chờ ở vùng cao đó là khi đoàn đại biểu HÐND huyện Ðiện Biên Ðông tiếp xúc cử tri tại bản, một cử tri đã giơ tay xin phát biểu ý kiến với nội dung đại ý là: Cám ơn Nhà nước đã hỗ trợ con giống, gạo, muối, tiền điện, y tế, giáo dục... giờ dân cần hỗ trợ thêm... mỳ chính!

Hiện nay, vấn đề không phải là lo lắng nguồn lực có đến đúng người nghèo không bởi Nhà nước ngày càng hoạch định những chính sách hạn chế tối đa hỗ trợ trực tiếp mà chuyển sang hỗ trợ có điều kiện để tạo sinh kế, gắn trách nhiệm của người nghèo trong đó. Ðiều quan trọng là chính quyền các cấp, ngành liên quan tổ chức và giám sát thực hiện nghiêm túc, khách quan; tạo thành phong trào, sự hứng khởi cho người nghèo tham gia đóng góp nội lực để vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top