Tăng thu nhập từ chuyển đổi cây trồng

09:17 - Thứ Hai, 27/11/2017 Lượt xem: 7422 In bài viết
ĐBP - Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng: rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu… Nhờ đó thu nhập của nhiều hộ đã tăng đáng kể.

Với lợi thế có nhiều diện tích canh tác ven sông Nậm Rốm, xã Pom Lót tập trung phát triển rau màu. Trên những diện tích đất trước đây chuyên trồng ngô được nông dân chuyển sang sản xuất luân canh theo hình thức 1 vụ trồng rau, 1 vụ trồng ngô nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích. Chị Hoàng Thị Biên, đội 3, xã Pom Lót cho biết: Trước đây toàn bộ diện tích hơn 1.000m2 của gia đình đều trồng 2 vụ ngô. Song gần đây, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng rau vụ đông, gia đình tôi đã chuyển 1 vụ sang sản xuất rau màu. So với cây ngô thì rau vụ đông cho thu nhập cao hơn.

 

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà kiểm tra diện tích cây đương quy tại xã Noong Luống.

Một hình thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả khác trên địa bàn huyện Ðiện Biên được nhiều hộ dân thực hiện là chuyển hẳn những diện tích đất sản xuất cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Những loại cây có giá trị như: thanh long, vú sữa, nhãn chín muộn, ổi, cam… được nhiều hộ lựa chọn. Ðơn cử như cây thanh long, theo tính toán, nếu chăm sóc tốt sản lượng trung bình mỗi héc ta trên 10 tấn quả, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ chuyên trồng thanh long ruột trắng mà những năm gần đây, nhiều hộ đã đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Với giá bán cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với thanh long ruột trắng, được thị trường đón nhận, thanh long ruột đỏ đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ.

Cuối năm 2016, Dự án “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển sản xuất, chế biến cây thuốc đương quy và bạch chỉ tại tỉnh Ðiện Biên” do Công ty Cổ phần Thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà làm chủ nhiệm đã đưa vào trồng thí điểm 5ha cây bạch chỉ, đương quy tại đội 18, 19 và khu bãi màu Nậm Thanh của xã Pom Lót. Ðược biết, những diện tích trên hầu hết đều là đất canh tác lúa nhưng thiếu nước tưới hoặc có chân ruộng cao nên trồng lúa kém hiệu quả. Sau gần 1 năm triển khai, tháng 10 vừa qua các hộ tham gia dự án đã thu hoạch đương quy, bạch chỉ vụ đầu tiên. Ðánh giá ban đầu: Cây dược liệu này phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, năng suất cho thu hoạch vượt hơn 20% so với dự kiến. Sau khi trừ chi phí người dân thu lãi từ 20 - 24 triệu đồng/1.000m2, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Anh Nguyễn Ðức Trường, đội 18, xã Noong Luống cho biết: Gia đình tôi có hơn 2.000m2 đất lúa, trong đó có 600m2 cấy lúa kém hiệu quả do thiếu nước tưới. Bởi vậy khi dự án trồng đương quy, bạch chỉ triển khai tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia trồng đương quy trên diện tích 600m2. Ðương quy vừa cho thu hoạch vụ đầu tiên, với giá bán 20.000 đồng/kg củ tươi, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 17 triệu đồng. Mặc dù thời gian dài hơn so với sản xuất lúa nhưng so về hiệu quả tôi thấy việc chuyển đổi cây trồng này thu nhập cao hơn hẳn. Hiện nay mặc dù không còn hỗ trợ của dự án nhưng Công ty Cổ phần Thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà vẫn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá thu mua 22.000 đồng/kg củ tươi nên gia đình tôi vẫn tiếp tục trồng.

Với hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, lựa chọn những cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Ðiện Biên tăng thu nhập.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top