Ðể chính sách cho vay tạo việc làm hiệu quả hơn

10:37 - Thứ Hai, 27/11/2017 Lượt xem: 5689 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, thực hiện chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần tích cực tạo việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Giai đoạn 2011 - 2015, UBND các cấp đã phê duyệt cho 5.657 dự án (gồm 196 dự án thuộc cơ sở sản xuất kinh doanh và 4.461 dự án nhóm hộ, hộ gia đình) với tổng vốn 133,3 tỷ đồng; doanh số cho vay bình quân đạt trên 26,6 tỷ đồng/năm. Nhờ đó đã giải quyết việc làm mới cho 6.714 lao động. Năm 216, toàn tỉnh có 762 dự án được phê duyệt với số vốn gần 31,3 tỷ đồng; góp phần tạo việc làm cho 1.026 lao động. Năm 2017, dự ước toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 9.046 lao động, trong đó thông qua vay vốn hỗ trợ việc làm là 900 người.

Ðặc biệt, từ khi triển khai thực hiện cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NÐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, chính sách ưu đãi cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn. Nếu như trước đây, cơ sở kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/lao động, nay được vay tối đa 1 tỷ đồng/dự án và không quá 50 triệu đồng/lao động được tạo việc làm. Ðối với hộ gia đình, theo quy định cũ, tối đa được vay 20 triệu đồng, nay theo quy định mới được vay tối đa 50 triệu đồng. Lãi suất cho vay được áp dụng như lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định; thời gian trả nợ cũng được kéo dài hơn… Tính đến hết quý II/2017, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt 80,8 tỷ đồng với 2.530 khách hàng dư nợ. Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm được triển khai đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đã góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Từ nguồn vốn này đã xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, từ đô thị đến khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng cao, biên giới; trong đó có nhiều điển hình là người dân tộc thiểu số. Qua đó khẳng định đây là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Ðồng thời, thông qua cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, các tổ chức hội, đoàn thể với việc thực hiện chương trình ủy thác vay vốn đã có điều kiện sâu sát cơ sở hơn, thực hiện gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ chính trị.

Theo đánh giá của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh, để đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi nói chung, cho vay giải quyết việc làm nói riêng, là nhờ NHCSXH tỉnh đã xây dựng mạng lưới hoạt động hoàn chỉnh từ tỉnh đến cơ sở với 9 phòng giao dịch cấp huyện, 130 điểm giao dịch cấp xã và 2.277 tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khách hàng tiếp cận với nguồn vốn chính sách - nhất là các tổ tiết kiệm và vay vốn, được coi là “cánh tay nối dài” của NHCSXH. Cùng với đó là mô hình ủy thác cho vay thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, chuyển tải nguồn vốn chính sách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng. Ðồng thời, hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện hiệu quả.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm trung bình mỗi năm tạo điều kiện cho hơn 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định. Từ đó, giải quyết tốt số lao động nông nhàn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, để nguồn vốn chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh ta cần khắc phục những hạn chế đã và đang ảnh hưởng tới quá trình thực hiện. Ðó là một bộ phận lao động (nhất là dân tộc thiểu số) còn tư tưởng ngại thoát ly, xa gia đình. Lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (trên 80%), trình độ văn hóa, chuyên môn còn hạn chế, không đồng đều; một bộ phận trong đó chưa biết cách sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách, có trường hợp còn sử dụng chưa đúng mục đích. Hiện nay, nguồn vốn cho vay tạo việc làm vẫn còn ít so với nhu cầu vay vốn của người lao động.

Trước thực trạng đó, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức dạy nghề, định hướng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đối tượng lao động vay vốn tạo việc làm. Các tổ chức hội nhận ủy thác phải thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng kỳ hạn; đề xuất kịp thời những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ở cơ sở.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top