Huyện Ðiện Biên

Khó thực hiện tiêu chí nông thôn mới về môi trường

11:06 - Thứ Tư, 29/11/2017 Lượt xem: 5805 In bài viết
ĐBP - Dù ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên, phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm được nhân rộng, song huyện Ðiện Biên vẫn gặp phải những rào cản nhất định khi thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

 

Người dân xã Thanh Xương quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm.

Qua thực tiễn triển khai, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt. Ðể hoàn thành tiêu chí này, phải đạt 5 chỉ tiêu: có từ 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; không có các hoạt động làm suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, có ít nhất một nghĩa trang tập trung; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Ðể hoàn thành các nội dung của tiêu chí môi trường, huyện Ðiện Biên đã đưa ra nhiều giải pháp như: Chỉ đạo UBND các xã triển khai Kế hoạch số 08/KH - MTTQ - BTT, ngày 1/8/2017 về triển khai tổ tự quản về môi trường; phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân tự thu gom rác thải và tự tiêu hủy. Ðối với các xã đã được đầu tư xe chuyên dụng chở rác thì vận động nhân dân đổ rác đúng nơi quy định, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm. Triển khai xây dựng mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường tại 5 xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh An và Noong Hẹt… Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, vướng mắc nên tính đến nay, toàn huyện mới có 5/25 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.

Qua rà soát, đánh giá, UBND huyện Ðiện Biên đã nhận định tiêu chí số 17 có hai chỉ tiêu (tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch và tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch) rất khó đạt. Năm 2017, thực hiện tiêu chí về môi trường, UBND huyện đã triển khai đến các xã khó khăn, xã biên giới trên địa bàn Quyết định số 712/QÐ - TTg, ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020. Qua khảo sát phần lớn các xã đều có nhu cầu về công trình nước sạch, tuy nhiên hầu hết không liên kết được với doanh nghiệp đủ năng lực để đối ứng vốn thực hiện xây dựng công trình nước sạch, nên khó thực hiện được. Ðến thời điểm này, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn huyện đạt 88,9%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch 11,2%.

Tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch cũng là một trong những chỉ tiêu khó đạt đối với nhiều xã ở huyện Ðiện Biên. Nguyên nhân là do địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống với phong tục, tập quán khác biệt, đời sống của nhân dân còn khó khăn nên việc vận động người dân xây dựng các công trình phụ đáp ứng tiêu chuẩn rất khó khăn. Năm 2017, 11 xã biên giới trên địa huyện được phân bổ hơn 4 tỷ đồng kinh phí cải thiện môi trường nông thôn. Trong đó, 10 xã chủ yếu đăng ký hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân (riêng xã Thanh Hưng đăng ký hỗ trợ xây dựng bể Bioga). Tuy nhiên dự toán kinh phí xây dựng của 4 mẫu nhà vệ sinh do Sở Y tế ban hành tại Quyết định số 998/QÐ - SYT ngày 20/10/2017 khá cao so với điều kiện kinh tế của nhiều hộ nông dân trên địa bàn: Cao nhất là 23,143 triệu đồng/công trình, thấp nhất là 8,287 triệu đồng nên các hộ nghèo, hộ cận nghèo không đáp ứng được vốn đối ứng khi xây dựng công trình nhà vệ sinh. Ngoài những bất cập trên, thì hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân nhiều xã trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền vận động đến cộng đồng dân cư còn hạn chế nên nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của nhiều người dân chưa cao, tình trạng tùy tiện xả rác còn xảy ra ở nhiều nơi, chất thải trong chăn nuôi... là những rào cản đối với nhiều xã trong thực hiện tiêu chí số 17.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top