Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo

09:03 - Thứ Năm, 30/11/2017 Lượt xem: 6272 In bài viết
ĐBP - Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, những người cựu chiến binh (CCB) tiếp tục “chinh chiến” trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, vun đắp cuộc sống ấm no, đủ đầy. Nhiều tấm gương CCB điển hình làm kinh tế giỏi đã được ghi nhận và hơn hết họ không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương hay giúp những người đồng đội cũ, hội viên CCB khác cùng nhau đi lên bằng đôi bàn tay lao động chân chính.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Khôi, đội 10, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) chăm sóc vườn cây thanh long. Ảnh: Nguyễn Hiền

Toàn tỉnh có 178 cơ sở hội với 1.536 chi hội CCB, hơn 16.700 hội viên sinh hoạt ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh đã phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đến từng cán bộ, hội viên; khuyến khích hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa phong trào phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu bằng những việc làm như: ủy thác giúp hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội; tổ chức tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình kinh tế hiệu quả; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… Toàn tỉnh hiện có 459 tổ tiết kiệm vay vốn do hội CCB quản lý với số tiền vay ủy thác gần 469 tỷ đồng. Trong năm, hội CCB các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 93 lớp tập huấn về kiến thức kinh tế, vay vốn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giảm nghèo nhanh và bền vững cho 1.523 lượt cán bộ, hội viên. Tỉnh hội cũng phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay, nhằm tăng cường quản lý nguồn vốn tín dụng sử dụng hiệu quả, thực sự trở thành nguồn lực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự đồng hành, san sẻ của các cấp hội và giữa các hội viên, hiện nay các cấp hội CCB trong toàn tỉnh có 42 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động; 12 hợp tác xã, 869 trang trại và gia trại, thu hút hơn 3.000 lao động. Bằng tinh thần không ngại khó, chăm chỉ, cần cù, trên 50% hộ gia đình CCB trong tỉnh có mức sống khá và giàu.

Riêng đối với Hội CCB huyện Ðiện Biên, các cấp Hội nắm vững thế mạnh, tiềm năng, xu hướng phát triển của từng địa bàn để thông tin, vận động, hướng dẫn CCB chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp và làm ăn có hiệu quả. Ðối với khu vực trung tâm, động viên, khuyến khích gia đình hội viên phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; ở khu vực nông thôn tích cực phát triển trang trại, gia trại, hợp tác xã; CCB sinh sống ở khu vực vùng cao nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng. Ông Vũ Tiến Tám, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Ðiện Biên, cho biết: Hiện toàn huyện có 221 mô hình kinh tế tiêu biểu của gia đình CCB, thu hút 925 lao động với thu nhập trung bình 4 - 4,5 triệu đồng/tháng/người. Các mô hình kinh tế của CCB mỗi năm tạo việc làm mới cho thêm từ 30 - 70 lao động. Ngoài ra, huyện cũng đã thành lập được Chi hội Doanh nhân CCB với 22 đồng chí. Hội viên thường xuyên giúp nhau về cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tiếp thêm ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống cho các CCB. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu vượt qua mọi khó khăn để làm giàu chính đáng, cải thiện cuộc sống. Ông Nguyễn Xuân Khôi, đội 10, xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên là một điển hình. Ông tham gia chiến tranh chống Mỹ cứu nước và phục viên năm 1976 với nhiều vết thương bom đạn trên mình. Ban đầu, trên mảnh đất đồi, ông đưa các giống cây trồng: cà phê, nhãn, vải, tre điền trúc vào canh tác nhưng hiệu quả không cao. Ðến năm 2007, ông quyết tâm cải tạo vườn tạp, đưa thanh long vào trồng thay thế với diện tích 2.000m2, kết hợp chăn nuôi cá, lợn, gà và 500m2 rau các loại. Lúc bấy giờ, thanh long là loại cây mới trên đất Ðiện Biên, lại chưa có kinh nghiệm nên ông Khôi phải tự tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, thậm chí một mình về Hà Tây học hỏi và mua giống cây có chất lượng. Ðến nay, sau 10 năm bén rễ, vườn thanh long của gia đình ông được nhiều người trong khu vực biết đến với chất lượng ngon, ngọt, đảm bảo an toàn, mẫu mã đẹp. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu khoảng 60 triệu đồng từ tiền bán thanh long và 40 triệu đồng từ rau màu, chăn nuôi. Ông không chỉ trở thành một trong những tấm gương điển hình trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi của xã Thanh Xương mà còn là “địa chỉ” luôn sẵn lòng đón các hộ trong vùng, bạn bè, đồng đội đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ có nhu cầu.

Còn rất nhiều CCB làm kinh tế giỏi, từ bàn tay “trắng” họ gây dựng lên cơ ngơi khang trang, giải quyết việc làm cho gia đình và một bộ phận lao động địa phương, như: Sùng A Chá, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé; Hoàng Bá Tài, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo; Khoàng Văn Khao, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa; Nguyễn Văn Tạo (xã Thanh Yên), Phạm Bá Tiến (xã Thanh Luông), huyện Ðiện Biên… Với tinh thần người lính Cụ Hồ, ý chí xưa thắng giặc, nay thắng nghèo các CCB trên địa bàn tỉnh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi và noi theo.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top