Mô hình thí điểm khai thác đất dốc ở Pú Nhi

Triển vọng mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

08:25 - Thứ Sáu, 01/12/2017 Lượt xem: 6061 In bài viết

ĐBP - Với lợi thế có hồ chứa nước Nậm Ngám nên địa bàn xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông được Ban Quản lý Dự án các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh chọn để triển khai nghiên cứu phương án ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng thí điểm khu tưới mẫu để khai thác hiệu quả trên đất dốc (gọi tắt là mô hình thí điểm khai thác đất dốc).

Mục tiêu của mô hình là xây dựng phương án tổ chức sản xuất khai thác đất dốc và khu tưới mẫu thuộc vùng tưới của Dự án hồ chứa nước Nậm Ngám; trong đó ứng dụng đồng bộ các giải pháp về chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy cao hiệu quả đầu tư và bền vững, làm cơ sở nhân rộng mô hình.

 

Ông Lò Văn É, bản Nậm Ngám A, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) kiểm tra sâu bệnh trên cây quýt trồng thí điểm của gia đình.

Chúng tôi đến thăm khu tưới mẫu thí điểm trồng cây ăn quả với quy mô 15ha, thuộc sở hữu của 11 hộ dân ở bản Nậm Ngám A, cách trụ sở UBND xã Pú Nhi khoảng 3km. Đi cùng chúng tôi có cán bộ khuyến nông xã và một số hộ dân đã góp đất để triển khai mô hình. Trước đây, toàn bộ khu vực này là đất trồng lúa nương và trồng sắn. Từ khi mô hình triển khai (cuối năm 2016), vùng đất này dần hình thành một khu tưới mẫu thí điểm hiện đại, gồm: bể chứa nước bê tông có dung tích 500m3; đường ống dẫn nước từ kênh hữu Nậm Ngám C của hồ chứa nước Nậm Ngám dẫn vào bể dài 1.015m; tuyến đường ống dẫn nội đồng với chiều dài là 2.800m. Toàn bộ khu tưới mẫu được thiết kế hệ thống nước tự chảy, tận dụng áp lực của đường ống hoặc bể trữ nước khống chế. Trong đó, 14ha được tưới bằng phương pháp phun mưa cầm tay; 1ha được áp dụng thử nghiệm công nghệ tưới nhỏ giọt, phun mưa công nghệ cao.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nương trồng cây ăn quả của gia đình, ông Lò Văn É, bản Nậm Ngám A, cho biết: Gia đình ông góp khoảng 4ha đất nương để trồng cây ăn quả theo mô hình thí điểm. Từ quý II năm 2017, ông cùng bà con ở đây bắt đầu trồng các loại cây, như: Bưởi da xanh, quýt, lê…; ở nền đất trống phía dưới, có gia đình còn tận dụng trồng xen kẽ cây đậu tương. Trong quá trình thực hiện, bà con được cán bộ Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp & PTNT) đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật đào hố, cách bón phân… Toàn bộ giống cây, phân bón được cung cấp tận nơi và miễn phí; bà con chỉ góp đất và bỏ công sức ra để thực hiện. “Khi mô hình thí điểm khai thác đất dốc triển khai, gia đình tôi và bà con ở đây được cán bộ xã và cán bộ của Ban Quản lý Dự án các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đến vận động, tư vấn, mời tham gia mô hình. Lúc đầu thực sự chúng tôi cũng không tin tưởng lắm, vẫn còn do dự, bởi từ trước tới nay chỉ quen với việc trồng ngô, trồng sắn, không trồng cây ăn quả bao giờ. Hơn nữa, trồng ngô, sắn thì được ăn ngay; trồng cây ăn quả 2 năm trở ra mới được thu hoạch nên chúng tôi không muốn trồng. Sau khi được cán bộ phân tích, giải thích, chúng tôi bắt đầu hiểu và thực hiện. Mặc dù mới trồng được vài tháng, nhưng hiện nay cây có chiều hướng phát triển tốt, tỷ lệ sống khá cao” - Ông Lò Văn É chia sẻ.

Từ khu vực bể chứa nước trên đỉnh đồi nhìn xuống, phía dưới là một vùng đất mênh mông với những sườn dốc thoai thoải, được lắp đặt các đường ống dẫn nước tưới xen lẫn những hàng cây ăn quả đang đà vươn lên đầy sức sống; bản thân chúng tôi cũng như ông Lò Văn É và những người dân nơi đây đang kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp từ sự khởi đầu mới của một mô hình thí điểm trồng cây trên đất dốc đầu tiên tại địa bàn xã Pú Nhi và cũng là mô hình đầu tiên thí điểm trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Bể trữ nước tưới trên đỉnh đồi có dung tích 500m3 phục vụ cho khu tưới mẫu. 

Tiếp chúng tôi tại trụ sở, ông Mùa Chồng Dính, Chủ tịch UBND xã Pú Nhi, cho biết: Khi thực hiện mô hình thí điểm, lúc đầu rất khó khăn, bởi người dân không muốn làm; họ sợ những loại cây ăn quả này không mang lại hiệu quả kinh tế; xã phải phối hợp với Ban Quản lý Dự án các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đi vận động từng hộ dân, họp dân nhiều lần mới triển khai được. Hiện nay, thấy nhiều hộ làm được, cây bắt đầu phát triển, một số bà con lại đề nghị tiếp tục đầu tư giống, phân bón để thực hiện. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Pú Nhi, thực hiện mô hình thí điểm khai thác đất dốc là hướng đi đúng, bước đầu có triển vọng; nếu thành công, xã sẽ đề nghị tiếp tục đầu tư cho người dân mở rộng mô hình, không chỉ ở bản Nậm Ngám A, mà mở rộng ra nhiều bản khác.

Chia sẻ với chúng tôi về tính khả thi của mô hình, ông Lê Xuân Cảnh, Quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, về mặt cây trồng thì đất dốc cũng là một lợi thế rất lớn, trồng được rất nhiều loại cây mà phát huy còn tốt hơn đất bằng, như: cây lê, cây bưởi da xanh, quýt, táo... So với trồng lúa nước, mô hình này rất tiết kiệm nước, không phải khai hoang, không bị xói lở, không mất nhiều nhân lực, chỉ đào hố là xong. “Nếu thành công, tôi tin rằng hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn trồng lúa rất nhiều; mô hình sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong tư duy về làm thủy lợi, tư duy về canh tác của bà con; đặc biệt, sẽ cũng cấp những sản phẩm hoa quả sạch ra thị trường” - Ông Lê Xuân Cảnh cho biết.

Nói về cơ hội đầu ra cho sản phẩm, ông Lê Xuân Cảnh nhận định, hiện nay phần lớn hoa quả chúng ta phải phụ thuộc vào nhập khẩu, mà không biết rõ nguồn gốc từ đâu nên người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm, tin tưởng về chất lượng và an toàn sản phẩm. Trước mắt, với quy mô của mô hình như hiện nay thì sản phẩm sẽ cung cấp cho thị trường Điện Biên. “Khi người dân trồng ra sản phẩm tốt, chúng tôi sẽ liên hệ với các siêu thị trên địa bàn để giới thiệu sản phẩm; đồng thời cam kết đây là sản phẩm sạch, do chính người dân Điện Biên làm ra, tôi tin là sản phẩm sẽ tiêu thụ được” - Ông Lê Xuân Cảnh nói. Cũng theo ông Cảnh, khi mô hình thí điểm thành công, để tiếp tục nhân rộng mô hình ra cả cánh đồng hơn 500ha, đơn vị sẽ mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Nhà nước chỉ đầu tư mô hình thí điểm ban đầu, còn sau này mở rộng quy mô thì phải mời doanh nghiệp tham gia.

Hiện nay, canh tác trên đất dốc đã trở thành hoạt động sản xuất nông nghiệp không thể thiếu đối với đồng bào vùng cao nói chung và người dân xã Pú Nhi nói riêng; nhưng làm thế nào để người dân thay đổi tư duy canh tác theo lối truyền thống, khai thác đất dốc một cách có hiệu quả, thì việc mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư những mô hình sản xuất mới là rất cần thiết. Đặc biệt, để triển khai một cách thuận lợi và để người dân đồng thuận, tham gia hưởng ứng tích cực, thì càng cần hơn sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ, đầu tư của các doanh nghiệp. Theo đánh giá của chính quyền xã Pú Nhi cũng như người dân địa phương, thời điểm hiện tại mô hình thí điểm khai thác đất dốc trên địa bàn xã Pú Nhi đang có chiều hướng tiến triển tốt. Nếu thành công, mô hình sẽ mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top