Nuôi cá diêu hồng trong lồng bè theo hướng an toàn thực phẩm

13:42 - Thứ Hai, 04/12/2017 Lượt xem: 7149 In bài viết
ĐBP - Nhằm khai thác tiềm năng diện tích mặt nước sông và các hồ chứa lớn, đồng thời đưa thêm đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, tháng 6/2017, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thực hiện mô hình trình diễn nuôi cá diêu hồng trong lồng bè theo hướng an toàn thực phẩm cho 3 hộ dân xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) và phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) với quy mô 200m3/lồng.

Chị Phan Thị Xuân, cán bộ TTKN tỉnh, giám sát mô hình cho biết: Nuôi cá trong lồng bè không còn xa lạ với người dân, tuy nhiên mô hình yêu cầu phải thiết lập hồ sơ và lưu trữ hồ sơ, ghi chép nhật ký trong quá trình nuôi. Ðây là hình thức mới đối với người dân nên cần có thời gian làm quen. Hộ tham gia phải thực hành một số kỹ thuật như: Kỹ thuật tắm cá trước khi thả giống, phối trộn thức ăn hỗn hợp theo yêu cầu tỷ lệ đạm cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cá. Thực hành kỹ thuật đo một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước nuôi như: độ pH, NH3, oxy hòa tan... Tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ về giống, thức ăn, vật tư, kỹ thuật mỗi hộ được hỗ trợ 50% và đối ứng 50% về chế phẩm men vi sinh BioWish trong thời gian nuôi 5 tháng. Ðây là chế phẩm sinh học nhằm thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, là xu hướng trong tương lai nhằm nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua thực tế mô hình cho thấy, cá tăng trưởng tốt, màu sắc đồng nhất, không dị hình, sức kháng bệnh cao, sinh sản tốt. Sau 5 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ cá sống đạt trên 87%, bình quân trên 0,6g/con, không xuất hiện dịch bệnh.

Mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức nuôi cá lồng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chí đánh giá VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Ông Phạm Khang Mừng, đội 1, xã Thanh Hưng, một trong số những người tham gia mô hình, cho biết: Tôi có 70m3 lồng tham gia mô hình. Trước đây, gia đình tôi nuôi nhiều loại cá trong lồng bè, tuy nhiên do nhu cầu thị trường cũng như kiến thức về kỹ thuật nuôi còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Khi tham gia mô hình này, giống cá mới và phương pháp, kỹ thuật nuôi mới; với lồng nuôi 70m3 và thời gian nuôi 5 tháng/lứa cá, sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi hơn 11 triệu đồng. Nuôi cá theo hướng an toàn thực phẩm có sự quản lý, giám sát sức khỏe thủy sản, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cách ly với mầm bệnh sẽ hạn chế những rủi ro do dịch bệnh gây ra.

Khi triển khai mô hình, ngoài 3 hộ trực tiếp tham gia thì 30 hộ dân khác cũng được tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cá diêu hồng nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung trong lồng bè. Qua đó, bà con vận dụng và tự đầu tư phát triển quy mô nuôi cá lồng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống. Ðồng thời, nắm được một số phương pháp cụ thể để bảo vệ môi trường thủy sản nhằm hạn chế dịch bệnh như: không xả thải nguồn nước ô nhiễm vào khu vực nuôi cá; không sử dụng những sản phẩm có chất cấm để điều trị bệnh hay xử lý môi trường nước; không sử dụng hoóc môn, chất kích thích tăng trưởng trong quá trình nuôi; ghi chép nhật ký quá trình sử dụng kháng sinh, hóa chất xử lý môi trường theo hướng dẫn kỹ thuật và liều lượng của sản phẩm...

Từ kết quả bước đầu của mô hình, giống cá diêu hồng được những hộ nuôi cá lồng bè đánh giá cao. Ðể nhân rộng trong những năm tiếp theo, trên cơ sở kết quả mô hình đã đạt được, TTKN tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh việc hỗ trợ thông tin sản phẩm, giá cả thị trường, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi thủy sản trên địa bàn. Khuyến khích chuyển đổi từ nuôi thả cá truyền thống sang giống cá mới cho năng suất cao theo hướng thâm canh với chất lượng thương phẩm tốt; tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top