Hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp

09:39 - Thứ Năm, 07/12/2017 Lượt xem: 6855 In bài viết
ĐBP - Sau gần 2 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; thúc đẩy sự hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Lúa, chè, cà phê… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhằm duy trì và nâng cao tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.

 

Người dân bản Bắc II, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) phơi bánh khẩu xén trước khi cắt thành sản phẩm hoàn thiện. Ảnh: Nhật Phương

Sau gần 2 năm nỗ lực thực hiện, tỉnh ta đã thu hút được một số doanh nghiệp như: Hợp tác xã Dịch vụ Thanh Yên; Công ty TNHH Thực phẩm nông sản sinh thái Ðiện Biên; Công ty TNHH Thực phẩm Sef Green; Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương… đầu tư theo mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản với người dân trong sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn trên 30ha, góp phần thúc đẩy sản xuất, bảo quản lúa gạo hàng hóa, chế biến các sản phẩm thực phẩm từ gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và xác nhận 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân cho các sản phẩm: Chè Tủa Chùa; cà phê; rau; củ; quả; thịt sấy khô; óc chó; khẩu xén; gạo và cá hồi, cá tầm. UBND tỉnh đã phê duyệt 1 dự án cánh đồng lớn hợp tác liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ lúa (IR64 và Bắc thơm số 7) với quy mô 31ha.

Việc xây dựng cánh đồng lớn đã được hiện thực hóa khi vụ mùa năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 499/QÐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Cánh đồng lớn hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa trên địa bàn xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Dự án do Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên thực hiện  với diện tích 31ha tại 2 thôn: Thanh Trường và Yên Trường; sử dụng 2 giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7 với mục tiêu tổ chức sản xuất, khai thác tối đa hiệu quả canh tác của đất; chuyển canh tác 2 vụ lúa thành 2 vụ lúa và 1 màu. Kết thúc vụ mùa năm 2017, thu được gần 200 tấn thóc (65 tạ/ha). Sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời truy xuất nguồn gốc (quét mã QR) giúp kiểm soát được sản phẩm chính gốc do Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cung cấp. Sản phẩm gạo được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thi trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên và được người tiêu thụ tại những địa phương này rất yêu thích. Ông Quản Bá Mười, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cho biết: Thực hiện dự án cánh đồng lớn, Hợp tác xã được hỗ trợ rất nhiều từ chính sách của UBND tỉnh. Thành công nhất của việc hợp tác, liễn kết chuỗi sản xuất này là: Nông dân ngày càng được trang bị các kỹ năng trong lao động, sản xuất; không lo đầu ra cho sản phẩm, và đặc biệt là giá bán sản phẩm luôn cao hơn từ 15 - 20% so sản phẩm cùng loại nhưng không tham gia chuỗi liên kết sản xuất.

Tương tự, sản phẩm bánh khẩu xén - sản phẩm đặc trưng của người Thái trắng Mường Lay cũng đã được UBND tỉnh chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tháng 9/2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ TX. Mường Lay trực tiếp hướng dẫn các chị em bản Bắc II (xã Lay Nưa) xây dựng mô hình “Nhóm duy trì mô hình làm bánh khẩu xén” theo hình thức liên kết sản xuất. Nhóm gồm 10 thành viên, đăng ký hoạt động với UBND xã Lay Nưa. Ðồng thời được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chị Sìn Thị Ngân, Trưởng nhóm liên kết sản xuất bánh khẩu xén cho biết: Bánh khẩu xén là sản phẩm truyền thống của người Thái trắng ở Mường Lay. Trước đây, sản phẩm vẫn được các hộ dân duy trì nhưng chỉ phát triển theo quy nhỏ, chủ yếu phục vụ gia đình trong các dịp lễ, tết. Thời gian gần đây, nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ TX. Mường Lay; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã giúp chúng tôi thành lập nhóm sản xuất, giúp quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. Ðến nay, sản phẩm bánh khẩu xén đã được tiêu thụ nhiều ở TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên và có mặt tại một số nhà hàng đặc sản Tây Bắc ở Hà Nội. Với giá thành 40.000 đồng/kg bánh khẩu xén làm bằng nguyên liệu gạo nếp 30.000 đồng/kg làm bằng sắn, bánh khẩu xén đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của các thành viên trong nhóm.

Ðể đảm bảo mục tiêu, kế hoạch và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vụ đông xuân 2017 - 2018, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục xây dựng 6 mô hình cánh đồng lớn, tổng diện tích 201ha với 3 giống lúa: IR64, Bắc thơm số 7 và Vai gãy. Trong đó, 4 mô hình, diện tích 131ha tại 2 xã: Thanh Xương và Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) gieo cấy giống IR64 và  Bắc thơm số 7; 2 mô hình gieo cấy giống lúa Vai gãy tại xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa). Ðồng thời, các địa phương quyết liệt hơn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại cây, con có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm...

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top