Thị trường lao động ngoài tỉnh

Cần khai thác hiệu quả tiềm năng

14:10 - Thứ Ba, 12/12/2017 Lượt xem: 5826 In bài viết
ĐBP - Trong số hơn 8.500 lao động được giải quyết việc làm mới năm 2017 chỉ có gần 500 lao động được giải quyết việc làm mới theo con đường đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh. So với tiềm năng từ thị trường lao động ngoài tỉnh hiện cần tuyển dụng tại Ðiện Biên (hơn 38.000 người), thì số người được tạo việc làm này còn khiêm tốn...

 

Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên bàn giao học sinh tốt nghiệp đi làm việc ngoài tỉnh theo hợp đồng.

Tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết, do nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty TNHH Brother Việt Nam - một tập đoàn kinh doanh hàng đầu của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo và xuất khẩu máy in, máy fax, máy photocopy và các sản phẩm đa chức năng hiện đang cần tuyển 1.000 lao động làm việc tại tỉnh Hải Dương. Ðể thu hút người lao động, Công ty thực hiện các chế độ, chính sách khá “ưu việt”. Ngoài mức thu nhập khoảng 5,9 triệu đồng/người/tháng; người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Nhà nước; đặc biệt lao động nữ được nghỉ thai sản 7 tháng; được làm việc nhẹ nhàng, môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn. Công ty miễn phí các bữa ăn ca, người lao động được chăm sóc sức khỏe y tế và có nơi sinh hoạt tiện nghi. Hay như Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2017 cần tuyển 200 lao động nghề kỹ thuật khai thác mỏ hệ trung cấp và sơ cấp nghề cho các công ty than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Ưu tiên bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách, con em dân tộc thiểu số, gia đình thuộc hộ nghèo. Người lao động được doanh nghiệp ký hợp đồng để cử đi học nghề tại trường theo trình độ (hệ trung cấp học tại trường 8,5 tháng; hệ sơ cấp nghề học tại trường 5,5 tháng) và được miễn phí toàn bộ kinh phí đào tạo.

Nhà trường miễn phí ăn 3 bữa/ngày; chỗ ở miễn phí trong ký túc xá và được hưởng 70% lương công nhân trong thời gian thực tập sản xuất. Sau khi tốt nghiệp công ty ký hợp đồng không xác định thời hạn và bố trí công việc ngay theo trình độ đào tạo với mức lương trung bình 12 triệu đồng/người/tháng (khi hoàn thành định mức lao động) và được hưởng mọi quyền lợi theo Luật Lao động và nhiều chính sách ưu đãi khác… Ðiểm qua nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh cùng các chính sách thu hút lao động từ phía các doanh nghiệp để thấy, trở thành người lao động của các công ty này sẽ có việc làm, thu nhập ổn định, mở hướng hiệu quả trong vấn để giải quyết việc làm tại địa phương. Vì vậy, để người lao động tiếp cận được những thông tin lao động - việc làm từ nhà tuyển dụng, thay đổi tư duy ăn sâu bám rễ “ngại làm việc xa nhà” cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng cho chính người lao động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Thị trường lao động ngoài tỉnh từ các doanh nghiệp, khu công nghiệp cần rất nhiều lao động của tỉnh ở các trình độ khác nhau. Vì vậy, vấn đề thông tin, tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng lao động từ phía doanh nghiệp, thị trường ngoài tỉnh tới người dân, nhất là người trong độ tuổi lao động được ngành đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, ngành tích cực tuyên truyền về chính sách hỗ trợ vé xe cho người lao động đi làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh của UBND tỉnh. Ðây sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy lao động đi làm việc, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương.

Tại hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh vừa diễn ra vào tháng 12 vừa qua, vấn đề đưa người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh được rất nhiều đại biểu quan tâm. Tại Mường Nhé - huyện biên viễn đặc biệt khó khăn đang thực hiện Ðề án 79; đồng chí Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho rằng, để giải quyết việc làm thì ngoài vấn đề về đất sản xuất, người lao động cần được trang bị kiến thức, đào tạo ngành nghề. Song trong điều kiện thực tế nhu cầu sử dụng lao động từ các doanh nghiệp tại địa phương rất hạn chế, nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền quyền lợi, hiệu quả kinh tế khi đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh để người lao động tham gia vừa góp phần tích cực giải quyết việc làm tại địa phương cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nếu làm tốt công tác này sẽ mở hướng giải quyết việc làm không chỉ hiệu quả đối với huyện Mường Nhé mà cũng sẽ là hướng đi của nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top