Tạo việc làm cho lao động

Nhiều chuyển biến nhưng còn không ít thách thức

09:38 - Thứ Năm, 14/12/2017 Lượt xem: 4660 In bài viết
ĐBP - Chỉ tiêu năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 8.550 lao động. Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, năm 2017 tỉnh ta đã tạo việc làm mới cho 9.046 lao động, đạt 105,8% kế hoạch (tăng 5,2% so với năm 2016). Trong đó, làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là 2.131 lao động (chiếm 23,56%); nông - lâm nghiệp - thủy sản: 4.927 lao động (54,47%); thương mại - dịch vụ: 1.988 lao động (chiếm 21,98%).

Ðạt được kết quả đó là do sự quan tâm giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhiều giải pháp được đưa ra như giới thiệu lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, liên kết cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp (năm 2017 toàn tỉnh có 115 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã đăng ký thành lập mới)… Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 570/KH-UBND về giải quyết việc làm năm 2017 trên địa bàn. Triển khai thực hiện, với vai trò chủ trì, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tỉnh đoàn và các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Ngày hội Việc làm tỉnh Ðiện Biên lần thứ II năm 2017; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và chấp thuận cho 4 doanh nghiệp được tuyển chọn lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh và 6 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. Ðặc biệt, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2017/NQ-HÐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động tỉnh Ðiện Biên đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được quan tâm đã giúp lao động tiếp cận thông tin của các nhà tuyển dụng. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp uy tín đến tư vấn, tuyển dụng lao động tại tỉnh ta đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.

Với sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, năm 2017 tỉnh ta có 550 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh (đạt 100% kế hoạch); xuất khẩu lao động được 30 người. Thông qua tuyển dụng vào các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước, Ðảng, đoàn thể tạo việc làm mới cho 400 người. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng gần 4.200 lao động. Số lao động nông thôn tự tạo việc làm sau khi được học nghề là 3.002 người. Thông qua vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã giúp 900 lao động có việc làm mới. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (duy nhất huyện Tuần Giáo đạt 99,55%). Trong đó, kết quả giải quyết việc làm đạt cao nhất là hai huyện biên giới còn nhiều khó khăn: Mường Nhé (đạt 187% kế hoạch) và Nậm Pồ (đạt 113,25%).

Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu mục tiêu đào tạo nghề cho 8.000 người, tạo việc làm mới cho 8.600 lao động. Giải pháp, nhiệm vụ tổng thể đã được HÐND tỉnh, tại kỳ họp thứ 7 thảo luận, thống nhất thông qua trong Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2018 là: Tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo nghề theo Ðề án 1956. Nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động thông qua các dự án cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm và tư vấn giới thiệu việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các chính sách đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể, trước hết chúng ta cần khắc phục những hạn chế trong thời gian qua. Ðó là công tác phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp đã được quan tâm, nhưng còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng chương trình đào tạo, thực tập tay nghề. Nguồn lao động của tỉnh dồi dào song việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa hiệu quả do người lao động có tâm lý kén chọn công việc, doanh nghiệp còn tuyển nhiều lao động phổ thông. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn ở một số huyện còn dàn trải nên hiệu quả sau học nghề không cao. Ðối với lao động nông thôn, những năm qua, chương trình đào tạo nghề cho đối tượng này đã đạt những kết quả tích cực. Nhiều mô hình kinh tế đã phát huy quả, không chỉ nâng cao tay nghề, tạo việc làm mới, tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi nhận thức cho người lao động. Tuy nhiên hạn chế là ngành nghề nông thôn còn lúng túng, lẫn lộn giữa công nghiệp, nông nghiệp; phần lớn vẫn là tổ chức tập huấn khuyến nông; chương trình đào tạo, kiến thức còn chưa phù hợp thực tế... Do đó, công tác đào nghề, tạo việc làm cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ cấp tỉnh đến huyện, xã nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng quản lý từ xây dựng cơ chế chính sách, lập kế hoạch, phân bổ kinh phí đào tạo đến tư vấn, giới thiệu, tìm thị trường lao động.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top