Diện tích khai hoang huyện Mường Ảng còn thấp

10:08 - Thứ Sáu, 15/12/2017 Lượt xem: 7217 In bài viết
ĐBP - Việc khai hoang, phục hóa để cải tạo, mở rộng đất nông nghiệp ở các xã vùng cao huyện Mường Ảng được người dân thực hiện trong nhiều năm qua. Những thửa ruộng bậc thang mới khai khẩn đã góp phần tăng diện tích đất sản xuất lúa nước, giảm diện tích đất nương, góp phần đảm đảo an ninh lượng thực, nâng cao đời sống người dân vùng cao. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác khai hoang, phục hóa trên địa bàn vẫn diễn ra rất chậm.

 

Anh Lò Văn Tại, bản Mánh Ðanh, xã Ẳng Cang chăm sóc lúa nước trên diện tích khai hoang.

Theo Nghị quyết 30a, những diện tích đất có khả năng khai hoang, phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha khai hoang, 10 triệu đồng/ha phục hóa. Ðây được xem là động lực thúc đẩy người dân khai hoang ruộng nước, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, sau nhiều năm được hưởng chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa ở mức cao của Chính phủ, công tác khai hoang trên địa bàn huyện đến nay rất nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến công tác tổng hợp, thẩm định để hỗ trợ kinh phí khai hoang của các cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Do đó, số diện tích khai hoang, phục hóa được hỗ trợ kinh phí không đáng kể. Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích khai hoang toàn huyện mới đạt 7,29ha với số tiền đã chi trả trên 101 triệu đồng. Tìm hiểu nguyên nhân, ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước hết, những diện tích có thể khai hoang được như gần khe suối đã được khai hoang mở rộng, tuy nhiên hiệu quả canh tác chưa cao chỉ sản xuất được 1 vụ, vụ còn lại thì thiếu nước sản xuất. Khó khăn nữa là do địa hình chủ yếu là đồi núi chia cắt, độ dốc lớn, hiểm trở gây khó khăn trong xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nên toàn huyện mới có 50% diện tích khai hoang có đủ nước sản xuất 2 vụ lúa/năm; các diện tích còn lại người dân tự tìm cách làm đường ống dẫn nước. Mặc dù, những năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn huyện và chính quyền cơ sở vận động bà con chuyển đổi hình thức canh tác từ lúa nương sang lúa ruộng nên công tác này có những chuyển biến tích cực. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức nhiều mô hình trình diễn sản xuất lúa nước cho sản lượng và chất lượng cao để người dân thấy được hiệu quả khi chuyển đổi hình thức canh tác, nhưng tập quán canh tác lúa nương từ lâu đời thì cần có thời gian để thay đổi. Bên cạnh đó, đa số diện tích đất nương, ruộng thường xuyên thiếu nước người dân đã chuyển đổi sang trồng dong riềng, cà phê với hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, nên để tăng diện tích khai hoang lúa nước còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, những năm gần đây, các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp vận động người dân mở rộng diện tích lúa nước. Ðiển hình như anh Lò Văn Tại, bản Mánh Ðanh, xã Ẳng Cang, trước đây có 200m2 ruộng 1 vụ, ngoài làm ruộng, gia đình anh canh tác thêm trên nương mới đủ ăn, những năm lúa nương mất mùa thì bị đói giáp hạt. Từ năm 2015 đến nay, được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ khai hoang, trồng giống lúa thuần, gia đình anh đã cải tạo được khoảng 1.000m2 lúa ruộng, đến nay năng suất đạt gần 50 tạ/ha; cao hơn 3 - 4 lần so với sản xuất lúa nương. Anh Tại cho biết: Thấy gia đình tôi khai hoang, sản xuất lúa nước hiệu quả, một số hộ trong bản cũng tích cực khai hoang, phục hóa và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất lúa nước.

Thời gian tới, để mở rộng diện tích khai hoang, cũng như tránh tình trạng lãng phí các công trình thủy lợi đã được đầu tư, UBND huyện đã có chủ trương sử dụng nguồn ngân sách địa phương kết hợp với nguồn hỗ trợ khai hoang ruộng bậc thang để thành lập các dự án khai hoang giúp nông dân có đất sản xuất; tìm những khu vực khai hoang có điều kiện thuận lợi để sản xuất tập trung ở 1 số xã như: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Mường Ðăng, Nậm Lịch, Xuân Lao. Theo ông Kiều Xuân Hoàng, năm 2017, huyện lập dự án khai hoang 39,38ha, phục hóa 17,75ha tại xã Xuân Lao và đang chuẩn bị đưa vào sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018. Hy vọng, với những nỗ lực của chính quyền địa phương nhận thức của người dân sẽ dần thay đổi từ đó tăng diện tích trồng lúa nước trên toàn huyện.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top