Nhiều lao động có việc làm từ hái cà phê

10:10 - Thứ Sáu, 15/12/2017 Lượt xem: 5946 In bài viết
ĐBP - Niên vụ cà phê 2017 - 2018 Mường Ảng đang vào chính vụ. Ðây là thời điểm các chủ vườn cà phê cần nhiều lao động phổ thông thu hái cho kịp thời vụ. Công việc này thu hút rất nhiều lao động trên địa bàn và của nhiều xã ở các huyện lân cận. Và với nhiều lao động phổ thông, đây được xem là một “nghề” trong lúc nông nhàn, thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống.

Vào mùa thu hoạch cà phê ở Mường Ảng, cứ hơn 6 giờ sáng chị Lò Thị Hiên, bản Nà Nhạn (xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên) cùng gần chục chị em trong xã lại lên đường đi hái thuê cà phê. Công việc này với các chị đã trở nên quen thuộc gần 2 tháng nay - kể từ khi cà phê vào vụ thu hái. So với những người có thâm niên hái cà phê thì số lượng mỗi ngày chị Hiên hái chưa nhiều, nhưng cũng đem về thu nhập kha khá, nhất là vào những ngày nông nhàn. Chị Lò Thị Hiên, cho biết: Hiện nay phổ biến là các chủ vườn thuê hái theo cân tươi. Tiền công chủ vườn trả khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg. Chăm chỉ hái trong ngày được khoảng 70 - 80kg, cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Còn với những người hái có “nghề”, công việc hái cà phê mỗi ngày cũng kiếm khoảng 250.000 đồng - đây là số tiền không nhỏ đối với lao động phổ thông trong vùng. Tuy nhiên để được thuê hái với giá cao hơn, nhiều chủ vườn yêu cầu rất nghiêm ngặt về kỹ thuật hái: như, không được hái quả xanh, quả non, quả nẫu; trong khi hái không được tuốt lá, bẻ cành… Chủ vườn kiểm tra chất lượng quả sau khi hái rất chặt chẽ, phân loại chất lượng quả rồi mới thanh toán tiền công hái. Vì thế nên người hái thuê phải cẩn thận, chứ hái bừa, hái ẩu vừa bị trừ tiền công mà còn bị chủ vườn không thuê hái. Chị Hiên nhẩm tính, đến hết vụ cà phê mà đi hái đều cũng có được khoảng 20 triệu đồng.

 

Nông dân xã Ẳng Nưa thu hái cà phê.

Còn chị Lò Thị Duyên, bản Co Hắm (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) dù gia đình trồng cà phê nhưng năm nào cũng thu xếp thời gian để đi hái thuê cho những hộ dân quanh vùng. Chị Duyên tâm sự: Gia đình có gần 2ha cà phê mới bước vào giai đoạn kinh doanh nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài thời gian hái cà phê của gia đình, mình vẫn đi hái thuê cho các hộ trong xã, ngoài thị trấn Mường Ảng để có thêm thu nhập vừa trang trải cuộc sống vừa tích góp dành dụm vốn làm ăn. Trung bình, mỗi ngày từ việc thu hái cà phê thuê cũng kiếm hơn 200.000 đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Tứ là chủ vườn cà phê với hơn 20ha trồng ở xã Ẳng Cang. Hầu hết các diện tích này đều đang vào chính vụ thu hoạch. Hàng năm, gia đình anh tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và hơn 1.000 lao động thời vụ; có ngày gia đình anh sử dụng 40 - 50 lao động thu hái. Với giá bán quả tươi dao động từ 6.500 - 6.800 đồng/kg như hiện nay thì số tiền công trả cho lao động thuê hái nhỉnh hơn vụ trước. Tuy nhiên, anh chọn nhân công hái cũng chặt chẽ hơn, tránh tình trạng hái không đảm bảo kỹ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng và giá bán cà phê tươi. Vì vậy, số lao động làm việc thường xuyên trong vườn cà phê của gia đình đều được tập huấn nâng cao kiến thức, quy trình chăm sóc, thu hái… Nhờ tuân thủ quy trình thu hái, bảo quản nghiêm ngặt sau thu hái nên dù là cà phê tươi hay cà phê trấu thì nhiều năm qua, giá bán cho tư thương của gia đình anh vẫn cao hơn so với mặt bằng giá trên thị trường và sản phẩm dễ bán hơn.

Theo kinh nghiệm của những người thu hái cà phê, trung bình 1ha cà phê ít nhất cần 2 lao động thu hái. Với hơn 3.000ha cà phê kinh doanh trên địa bàn huyện Mường Ảng ở niên vụ này khi thu hái cần trên 6.000 lao động, đó là chưa kể đến nhân công làm việc ở các khâu vận chuyển, sơ chế… Chính vì vậy, giải quyết tốt việc làm cho lao động phổ thông từ khâu thu hái cà phê không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần vào tiến trình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, để người lao động có “nghề” trong thu hái vừa đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như tạo được “thương hiệu” cà phê Mường Ảng cần chú trọng khâu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bởi thực tế, hái cà phê là công việc đơn giản, nhưng để thu hái đảm bảo kỹ thuật, không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng các niên vụ sau lại là việc không dễ. Nhất là tình trạng thu hái tỷ lệ quả xanh cao, không đảm bảo tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên đã và đang xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top