Tích cực đưa hàng Việt lên vùng cao

09:42 - Thứ Tư, 20/12/2017 Lượt xem: 7613 In bài viết
ĐBP - Ðưa hàng Việt về nông thôn, miền núi nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý, phù hợp nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Ðồng thời là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam đến khu vực miền núi, biên giới; vùng sâu, vùng xa.


Phiên chợ hàng Việt ở xã Mường Luân (Điện Biên Đông) thu hút nhiều người tham gia.

Năm 2017, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh đã phối hợp với các xã, huyện miền núi như: xã Mường Toong (huyện Mường Nhé); xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông); xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo); xã Si Pa Phìn và Chà Cang (huyện Nậm Pồ) tổ chức các phiên chợ hàng Việt. Mỗi phiên chợ có sự tham gia của 13 - 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hàng hóa các doanh nghiệp mang đến bán tại các phiên chợ đều là hàng sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, mặt hàng chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng cao như: muối, mì chính, nước mắm, mì tôm, bột giặt, đường, sữa, hàng dệt may, giầy dép, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, điện thoại, dịch vụ viễn thông…

Ngoài tham gia bán hàng trực tiếp tại phiên chợ, các doanh nghiệp tiếp tục khảo sát, tìm kiếm đối tác mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm tại vùng sâu vùng xa và giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm XTTM Ðiện Biên cho biết: Các phiên chợ được người dân chào đón rất nhiệt tình, 4 phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao và 1 phiên chợ Thương mại biên giới xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã thu hút được khoảng 14.000 lượt khách (trong đó có khoảng 1.000 lượt khách đến từ nước bạn Lào) đến tham quan và mua bán. Nhưng sức mua chỉ đạt khá, doanh thu bán hàng của các thương nhân qua 5 phiên chợ đạt trên 5,7 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thị trường các huyện vùng cao, biên giới còn khó khăn. Dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên kinh tế, tài chính còn yếu.

Một trong những hiệu quả thiết thực qua các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao là từng bước thay đổi nhận thức của người dân rằng: Hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá hợp lý hơn. Ngoài ra, chương trình còn hướng tới mục tiêu hình thành chợ phiên tại các xã vùng cao, vùng sâu để tạo thói quen mua bán tập trung cho người dân, và mục tiêu này đã có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, để tổ chức hiệu quả các chợ phiên, Sở Công Thương cần làm việc trực tiếp với các huyện, tổ chức lấy ý kiến nhân dân để có cách làm hiệu quả hơn. Quá trình khảo sát là hết sức quan trọng. Bởi phiên chợ chỉ thực sự hiệu quả khi được xây dựng đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa ngày càng thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Chương trình đã và đang tạo sức lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ðồng thời giúp người tiêu dùng vùng cao, biên giới được tiếp cận, thụ hưởng sản phẩm hàng Việt có chất lượng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top