Thời trang Việt trước “cơn lốc” thương hiệu ngoại

10:27 - Thứ Tư, 20/12/2017 Lượt xem: 6949 In bài viết
Dân số trẻ, có mức tiêu dùng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng đối với các thương hiệu thời trang nước ngoài. Hàng loạt thương hiệu thời trang từ xa xỉ đến bình dân như Chanel, Ferragamo, Burberry, Giovanni, Versace, Mango, Zara, H&M... đã hội tụ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Trước "cơn lốc" thương hiệu ngoại, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải phát huy tối đa lợi thế để tồn tại, cạnh tranh.

Thời trang nước ngoài ồ ạt "đổ bộ"

Từ năm 2015 đến nay, thương hiệu thời trang Mango đã liên tục mở hai cửa hàng Mango Mega Store tại Vincom Bà Triệu và Royal City. Giữa năm 2017, thương hiệu thời trang Old Navy (Mỹ) khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam với các sản phẩm dành cho cả nam, nữ và trẻ em. Trước sự hấp dẫn về sức mua của thị trường Việt Nam, tháng 9-2016, Zara đã mở cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, đánh dấu sự có mặt tại thị trường Việt Nam. Hãng thời trang đến từ Tây Ban Nha này cũng bán hàng trực tuyến tại Việt Nam từ tháng 4-2017 và mới đây nhất, trong tháng 11, người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ không khỏi phấn khích khi hai thương hiệu thời trang Zara và H&M đã mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng đang ráo riết tuyển dụng nhân sự để mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2017.

 

Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân từ 15% đến 20%, Việt Nam đang được các hãng thời trang lớn trên thế giới đặc biệt quan tâm. Việc các hãng thời trang nước ngoài "đổ bộ" vào thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua chỉ là bề nổi. Bởi trước đó, thông qua các công ty nhập khẩu phân phối như Công ty cổ phần Maison, các hãng thời trang quốc tế đã đưa nhiều thương hiệu thời trang như Christian Louboutin, Karen Millen, Max&Co, Max Mara... vào thị trường Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân. Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bossini...; cao cấp như CK, Mango, D&G, Gucci, Nautica…

Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng hóa của các nước vào Việt Nam ngày càng ồ ạt. Điều này đồng nghĩa với khó khăn của doanh nghiệp Việt sẽ tăng gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, sự xâm lấn mạnh mẽ của hàng nhập lậu giá rẻ, mẫu mã phong phú, thậm chí làm nhái cả những sản phẩm có thương hiệu trong nước nhưng giá bán chỉ bằng một nửa... cũng khiến nhiều doanh nghiệp nội "mất ăn, mất ngủ".

Xây dựng thương hiệu của riêng mình

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Niesel, có tới 56% người Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiền để sử dụng hàng hiệu. Đó cũng là một trong những lý do khiến sau một thời gian xây dựng, tạo dấu ấn hàng Việt, những thương hiệu thời trang như Việt Thy, Foci, May Sài Gòn 2… buộc phải thu hẹp quy mô.

Nhận định về việc các hãng thời trang nước ngoài tạo áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp trong nước, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, việc xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu thời trang quốc tế sẽ là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân nếu muốn giữ thị phần. Có thể thấy, thời gian qua, cho dù khó khăn chồng chất, vẫn có nhiều doanh nghiệp dệt may kiên trì với chiến lược thị trường nội địa.

Điển hình như các doanh nghiệp Việt Tiến, May 10, Canifa… không ngừng chiếm ưu thế trên thị trường nội địa với các sản phẩm làm hài lòng người tiêu dùng từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Trước sức ép hàng ngoại nhập, doanh nghiệp Việt Nam dường như có những lợi thế riêng như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa Việt Nam để thiết kế được sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế hơn khi các khâu thiết kế - sản xuất - tiêu thụ đều diễn ra trong nước và bắt kịp được xu hướng thời trang.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiệp, Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Thời trang NEM khẳng định, thị trường bán lẻ của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn nên việc các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, “cơn sốt” thương hiệu nước ngoài của người tiêu dùng nội địa chỉ là để thỏa mãn cơn tò mò và mong muốn trải nghiệm một cái gì đó khác lạ. Sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang thế giới tham gia vào thị trường may mặc nội địa sẽ buộc doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu của riêng mình, nếu muốn cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Điều đó cho thấy doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn còn những cơ hội và lợi thế riêng tại thị trường “nội”. Tuy nhiên, để có thể thay đổi vị thế của hàng Việt Nam, các doanh nghiệp may mặc thời trang Việt phải có chiến lược và chiến thuật phù hợp từng thời điểm; đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ và các siêu thị chuyên ngành; đẩy mạnh nâng cao năng lực, cải tiến mẫu mã, chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng; xây dựng thương hiệu thiết kế riêng… Từ đó, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, bảo đảm sự phát triển cân đối giữa thị trường xuất khẩu và trong nước.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top