Kiểm soát chặt chẽ thị trường dịp cuối năm

14:07 - Thứ Tư, 20/12/2017 Lượt xem: 6566 In bài viết
ĐBP - Năm 2017 sắp đi qua với kết quả phát triển kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói riêng trên địa bàn tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Giá hàng hóa trên địa bàn cơ bản ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú, mẫu mã đẹp; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đảm bảo chất lượng. Các mặt hàng thiết yếu được cung ứng, phục vụ đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; nhất là trong các dịp lễ, tết và mùa mưa lũ. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến gây mất ổn định thị trường.

Tuy nhiên, trong năm, tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, số lượng và tính chất vụ việc không lớn. Các hành vi vi phạm chủ yếu về lĩnh vực an toàn thực phẩm, lĩnh vực giá, đăng ký kinh doanh, hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng, không duy trì đầy đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp theo kiểu: Xé lẻ hàng hóa để vận chuyển, trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả với hàng hóa khác để tiêu thụ, hợp thức hóa đơn (hóa đơn ghi giá trị thấp hơn nhiều so với thực tế), vận chuyển trên xe khách chạy đêm, xe tải đợi đêm khuya mới giao hàng... gây khó khăn cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Ðối với các huyện vùng cao, với đặc thù địa bàn rộng, hiểu biết của người dân còn hạn chế, các vụ vi phạm chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực về an toàn thực phẩm: hàng quá hạn sử dụng, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc; hàng không niêm yết giá...

 

Ðội Quản lý thị trường số 6 (huyện Mường Nhé) kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn dịp cuối năm.

Triển khai kế hoạch kiểm soát thị trường chặt chẽ, không để hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng, năm 2017, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 2.669 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 1.020 vụ với số tiền phạt 775 triệu đồng. Trong đó, vi phạm về an toàn thực phẩm 321 vụ; vi phạm trong lĩnh vực giá 233 vụ; vi phạm trong kinh doanh 22 vụ; vi phạm khác 431 vụ... Buộc tiêu hủy tại chỗ tang vật là hàng hóa quá hạn sử dụng gồm bánh, kẹo, nước giải khát, sản phẩm từ sữa, bột và tinh bột các loại trị giá 40 triệu đồng (so với cùng kỳ năm 2016, số vụ kiểm tra tăng 21%; số vụ vi phạm giảm 13,3%).

Thời điểm cuối năm, nhất là càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa tiêu dùng sẽ tiêu thụ mạnh. Ðây là thời gian cao điểm các cơ sở kinh doanh “vào mùa” hàng tết. Do đó, đây cũng là dịp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm hạn chế tình trạng “đục nước béo cò”, để một số cá nhân lợi dụng thị trường cuối năm trục lợi bất chính. Nội dung bắt buộc kiểm tra sẽ tập trung vào 6 nhóm ngành thực phẩm do Bộ Công Thương quản lý; việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; việc duy trì, bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm đối với cơ sở; trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm. Các cơ quan chức năng sẽ thành lập lực lượng kiểm tra liên ngành phát hiện kịp thời hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, như: Bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, tinh bột, bánh, mứt, kẹo; thực phẩm đông lạnh; thực phẩm tươi sống; thực phẩm đã qua chế biến; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc gia cầm... và các loại hàng cấm như: Pháo nổ, vật liệu nổ các loại; đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực; văn hóa phẩm độc hại...

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top