Hướng đi cho “cánh đồng lớn”

09:37 - Thứ Năm, 21/12/2017 Lượt xem: 6250 In bài viết
ĐBP - Nói sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn lúc đầu nhiều hộ e ngại. Vì trên đồng đất này, nhiều dự án, mô hình làm lúa trước đây đều thất bại khiến bà con mất lòng tin. Nhưng đó chỉ là câu chuyện xưa cũ, bởi sau vụ thắng lớn trong sản xuất vụ mùa năm 2017 người dân tham gia Dự án do Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên trực tiếp đầu tư đều phấn khởi lắm. Bà con ai cũng muốn mở rộng diện tích dự án nhiều hơn để thêm nhiều người tham gia hưởng lợi” - Ðó là những thông tin mở đầu câu chuyện về Dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa (IR64 và Bắc thơm số 7) tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) mà ông Quản Bá Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cung cấp cho chúng tôi. Thông tin thú vị này đã mở hướng làm ăn mới cho những người nông dân quanh năm lam lũ được làm ăn theo cách thức mới, nâng cao giá trị lúa gạo và tăng thu nhập trên đơn vị sản xuất.

 

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tham quan Dự án Cánh đồng lớn tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) do HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên thực hiện trong vụ mùa 2017.

Là huyện thuần nông, nhưng do sản xuất mạnh mún, nhỏ lẻ nên thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá do tư thương ép giá. Chưa kể đến việc sản xuất lúa nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát chất lượng giống, sâu bệnh bùng phát… ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thóc. Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từ đó ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo những mặt hàng nông sản chất lượng cao với khối lượng lớn, thu hút doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, mô hình cánh đồng lớn được khởi động đầu tiên ở huyện Ðiện Biên mang tên Dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa (IR64 và Bắc thơm số 7) tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) do HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tổ chức. Dự án được thực hiện với quy mô 31ha tại thôn Yên Trường, Thanh Trường.

Dù Dự án triển khai thực hiện lần đầu tiên, song khá thuận lợi bởi hệ thống chính sách cho người dân tham gia khá cụ thể theo Quyết định 25 của UBND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Ðược hỗ trợ về giống, vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện liên kết “4 nhà”, nông dân tham dự án được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên, Tập đoàn Lộc Trời tập huấn quy trình sản xuất lúa, kỹ thuật bảo vệ thực vật; ứng dụng sạ theo từng lô sản xuất (trong đó, hơn 5.000m2 ứng dụng phương pháp kỹ thuật “hiệu ứng hàng biên”); được hướng dẫn ngâm ủ, xử lý hạt giống và theo dõi, ghi chép nhật ký đồng ruộng dưới sự kiểm tra, giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản đảm bảo việc sản xuất được chứng nhận theo chuỗi… Thực hiện đồng bộ các “khâu” trong quá trình sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, “3 giảm, 3 tăng” do đó đã giảm được khá nhiều chi phí vật tư “đầu vào” từ giống, phân bón, thuốc và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống mà vụ mùa năm 2017 năng suất, sản lượng thóc của dự án cánh đồng lớn tăng cao (đạt gần 200 tấn), nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Chủ động ngay từ khi bắt tay vào triển khai dự án, khâu quảng bá tìm thị trường cho sản phẩm được chú trọng. Vì thế mà sản phẩm gạo đã có mặt trên kệ tại nhiều siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên… Cùng với kế hoạch xây dựng trang website: htxthanhyen.com và gaotam.vn; facebook: Gạo tám Ðiện Biên - Gạo ngon tiêu chuẩn an toàn để truyền thông quảng bá sản phẩm cũng như tiến tới bán hàng trực tuyến. HTX cũng tích cực liên hệ với các Siêu thị, như: Vinmart, Big C… và xây dựng hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh, thành khác nhằm ổn định “đầu ra”, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm lúa gạo. Với những thành công bước đầu khởi động dự án, HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đề nghị với chính quyền địa phương tiếp tục được nhân rộng mô hình trên địa bàn xã; hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng; và bổ sung lò sấy, dây chuyền xay xát để kịp thời sơ chế, chế biến sản lượng thóc sau thu hoạch..

Thăm, làm việc với HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên - đơn vị thực hiện Dự án Cánh đồng lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến, khẳng định: Với những thành công ban đầu của Dự án Cánh đồng lớn tại thôn Yên Trường, Thanh Trường của xã Thanh Yên càng khẳng định được việc xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng được nhân rộng có hiệu quả như mong muốn, nhiều bài toán cần được giải quyết về công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, công tác thông tin tuyên truyền vận động nông dân tham gia cần được quan tâm hơn nữa để tạo sự đồng thuận, vào cuộc từ nhiều phía. Tiếp bước của những khởi đầu thắng lợi của mô hình cánh đồng lớn trong vụ mùa năm 2017, vụ đông xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh sẽ triển khai xây dựng 6 mô hình cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích 201ha tại huyện Ðiện Biên và huyện Tủa Chùa với các giống lúa: Bắc thơm số 7, IR64 và Vai gãy. Mô hình cánh đồng lớn sẽ được nhân rộng không chỉ chú trọng trên cây lúa mà trên một số cây trồng khác với 6 loại cây trồng chính là: lúa, ngô, rau màu, cà phê, chè và cây keo. Mục tiêu đến năm 2026, quy mô cánh đồng lớn trên địa bàn toàn tỉnh sẽ đạt 2.428ha, thu hút 9.582 hộ dân tham gia; tạo “đòn bẩy” để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và hiện đại.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top