Cần nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn

10:34 - Thứ Hai, 25/12/2017 Lượt xem: 6892 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều mô hình trình diễn về trồng rau an toàn theo hướng Vietgap trên địa bàn các xã vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên. Tuy các mô hình mới chỉ dừng lại ở khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật nhưng phương pháp sản xuất rau an toàn là nền tảng kỹ thuật được nhiều hộ gia đình áp dụng.

Hiện nay, xã Noong Luống có 27ha rau màu các loại. Trong đó, 7ha rau an toàn theo hướng Vietgap. Từ năm 2010 đến nay, người dân xã Noong Luống tham gia khoảng 4 - 5 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap. Ban đầu chỉ có hơn 10 hộ tham gia với diện tích khoảng 1 - 2ha tập trung tại các đội 18, 19. Sau nhiều năm, nhiều mô hình được tổ chức, người dân bắt đầu áp dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn, diện tích rau an toàn của xã được mở rộng và số hộ tham gia cũng tăng lên. Theo thống kê của xã Noong Luống, các hộ từng tham gia mô hình đều tự mở rộng diện tích trồng rau an toàn. Ngoài ra, phong trào trồng rau an toàn còn lan rộng sang các đội: 12, 9, 10, 14. Tuy hiện nay, người trồng rau vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm và cạnh tranh với các sản phẩm rau truyền thống, nhưng điều quan trọng nhất là người trồng rau an toàn ở Noong Luống đều nắm rất chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc rau; nhớ rõ từng tên, loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thời điểm bón; phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau truyền thống mà không cần test thử.

 

Ông Nguyễn Hữu Tân chăm sóc rau an toàn.

Ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Người dân nắm vững kỹ thuật và mở rộng diện tích là thành công của các mô hình trình diễn khuyến nông. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là đầu ra sản phẩm. Năm 2016, một số doanh nghiệp như: Siêu thị Hoa Ba, Công ty TNHH Safe Green đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm rau an toàn tại các đội 18, 19 theo mô hình kiên kết doanh nghiệp - người dân. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thực hiện thì nguồn cung quá lớn so với nhu cầu doanh nghiệp nên liên kết thất bại. Hiện nay, người dân vẫn tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, vẫn kiên trì sản xuất rau theo hướng an toàn và mong muốn các cấp, ngành chuyên môn tiếp tục triển khai mô hình trình diễn trên địa bàn.

Anh Nguyễn Ðức Trường, đội 18 xã Noong Luống - một trong những hộ dân đầu tiên tham gia mô hình sản xuất rau an toàn cho biết: Tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc rau như sử dụng giống chất lượng tốt, bón phân cân đối, hợp lý, phòng trừ sâu bệnh đúng thuốc, đúng bệnh và phải bảo đảm thời gian cách ly an toàn. Thực ra sản xuất rau an toàn, người dân đang lấy công làm lãi, bởi vì phương pháp này tốn nhiều công hơn so với phương thức truyền thống. Ðơn cử, trước đây diệt cỏ chỉ cần 20 - 30 phút phun thuốc trừ cỏ/1.000m2 là xong, nhưng theo cách này bà con phải mất 1,5 ngày công làm cỏ theo phương pháp thủ công.

Hợp tác xã Thanh Ðông (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) hiện có 9 xã viên, tổng diện tích trồng rau trên 5ha. Sau mô hình trình diễn năm 2010, các hộ vẫn tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích rau an toàn. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Safe Green nhưng số lượng bán đang còn ít. Ðầu ra chủ yếu vẫn là các lái buôn trên địa bàn. Năm 2017, HTX được Ðoàn thanh niên Chi cục Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức liên kết, bán rau giúp HTX, năng suất 1,5 - 2 tạ/ngày. Hiện nay, năng suất tiêu thụ bình quân khoảng 150 - 200 tấn rau/năm. Ngoài ra, các thành viên HTX thường xuyên lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người trồng rau khác trong các hội nghị tập huấn khuyến nông tại xã, với mong muốn có nhiều hơn HTX, người dân sản xuất rau an toàn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top