Mường Khong nỗ lực xóa đói giảm nghèo

09:36 - Thứ Năm, 28/12/2017 Lượt xem: 5202 In bài viết
ĐBP - Mường Khong là một trong hai xã khó khăn của huyện Tuần Giáo. Trong những năm qua, sự phát triển kinh tế xã hội của xã luôn đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Nhưng nhờ tận dụng tốt những nguồn lực tự nhiên, triển khai hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, Mường Khong đã từng bước đạt được những khởi sắc đáng ghi nhận.

Mường Khong được chia tách từ xã Nà Sáy năm 2013, là xã “trẻ”, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn đặc biệt là vào mùa mưa, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Xã có tổng diện tích tự nhiên 10.716,81ha, 644 hộ với 3.384 khẩu, gồm 2 dân tộc anh em cùng sinh sống (dân tộc Thái chiếm 85%; dân tộc Mông chiếm 15%). Xác định cần phải khắc phục mọi khó khăn để vươn lên, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Khong đã triển khai hiệu quả, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước ưu tiên dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2017, xã triển khai hỗ trợ giống đậu tương cho 76 hộ với 1.255,5kg; giống lúa cho hộ nghèo ở 7 bản vùng thấp 6.508,8kg; giống cây ăn quả (cam) với tổng số tiền trên 277 triệu đồng; hỗ trợ bò giống với tổng trị giá trên 260 triệu đồng...; xã còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân. Diện tích lúa nương 1 vụ, ngô cho năng suất thấp đã được chuyển đổi sang trồng cà phê, dổi; thay giống cũ bằng các giống ngô, lúa lai năng suất cao... Song song với phát triển nông nghiệp, xã luôn khuyến khích người dân tận dụng điều kiện tự nhiên kết hợp với khoanh nuôi bảo vệ rừng và chăn nuôi đại gia súc. Hiện xã có 5.898,5ha rừng phòng hộ, 1.125,6ha rừng sản xuất; luôn duy trì đàn bò trên 2.000 con, trâu 880 con, dê 840 con... Kết quả là sau 5 năm chia tách, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 64,8% (tiêu chí nghèo đa chiều) đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Nhiều hộ thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá giả thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, như: Gia đình ông Lường Văn Tâm, bản Phai Mướng; Lường Văn Pế, bản Khong Nưa; Lý A Thếnh, bản Hua Sát; Quàng Văn Biêng, bản Co Ðứa...

Ông Quàng Văn Biêng, bản Co Ðứa một trong những người mạnh dạn đi dầu trong chuyển đổi giống cây trồng của xã, cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng như bao hộ dân khác, chỉ biết trồng ngô, lúa nương nhưng do điều kiện đất dốc cho năng suất thấp nên gần 10ha nhưng cũng chỉ đủ ăn. Những năm gần đây, qua các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng do xã, huyện tổ chức, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cây công nghiệp giá trị kinh tế cao (cà phê, cây dổi); đồng thời đưa giống lúa lai, ngô lai vào canh tác nhằm tăng năng suất. Hiện gia đình có hơn 2ha cây dổi, gần 1ha cà phê, 1.500 gốc bưởi Diễn, kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, dê… tạo nguồn thu ổn định từ 50 - 90 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Tướng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khong, cho biết: Mường Khong là xã thuần nông, nên phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Xác định rõ thuận lợi khó khăn, những năm qua, xã luôn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế; tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và cách phòng trừ sâu bệnh đến nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo ở xã vẫn còn những hạn chế như: Một bộ phận không nhỏ người dân còn chông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao (chiếm 64,8%) vẫn còn tình trạng phá rừng và di cư tự do... Trong những năm tiếp theo, để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, xã tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả… đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng...

Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top