Khi núi đá phủ màu xanh

09:56 - Thứ Sáu, 29/12/2017 Lượt xem: 7680 In bài viết
ĐBP - Nếu ai đã từng đặt chân đến đất Tủa Chùa, có lẽ sẽ phải ngỡ ngàng khi mà những núi đá khô cằn trong tưởng tượng, vào mùa lại có thể “xanh” đến vậy!? Màu xanh ấy được “phủ” bằng sự cần cù, chịu khó của những người nông dân và cả hướng đi trong sản xuất nông nghiệp mà huyện nhà đang nỗ lực hướng tới.

Tủa Chùa có tổng diện tích gieo trồng hơn 11.000ha, trong đó hầu hết là trên nương với gần 10.000ha. Trước đây, hàng năm cứ đến tháng 3, tháng 4 mới được xem là vào mùa, khi nông dân ở đây bắt đầu nhộn nhịp công việc trên nương. Cả vụ làm nương, người nông dân gần như ăn, ngủ, nghỉ trên lán mà không về nhà. Sớm, tối lao động cực nhọc với công việc phát dọn cây cỏ, đốt nương, “chọc lỗ tra hạt”... Vất vả là vậy, nhưng hạt gạo làm ra cũng không đủ ăn. Một tất yếu không thể tránh khỏi, đó là chỉ vài năm canh tác đất lại bạc màu, xói mòn rửa trôi... nên người dân lại bỏ đất cũ, tìm đất mới. Những khoảng đồi trọc, núi đá nhô ra trơ trọi thách thức cùng thời gian, còn người nông dân vẫn những mùa đói nối nhau.

 

Người dân xã Sính Phình chăm sóc lúa nước.

Với địa hình đồi núi cao, lại bị chia cắt mạnh nên đa số diện tích nương của Tủa Chùa đều có độ dốc lớn, trung bình từ 10 - 150, nhiều nơi còn cao hơn. Việc canh tác trên đất dốc bộc lộ nhiều hạn chế, nên những năm qua địa phương coi việc chuyển đổi lối canh tác cho bà con là mục tiêu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. “Với định hướng của huyện, nhiều năm gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã đẩy mạnh việc phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư và các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân khai hoang phục hóa, hạ độ cao và tạo ruộng bậc thang để chống xói mòn, rửa trôi. Con số về khai hoang phục hóa mới đều tăng theo mỗi năm. Trên cơ sở đó vận động người dân trồng lúa, nhất là lúa 2 vụ trên những diện tích đảm bảo. Ðối với những diện tích khai hoang mới, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, bằng việc trồng thay thế các cây màu, như: Ðậu tương, lạc, đỗ, khoai, dứa... vừa để cải tạo đất và có thu nhập” - ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tủa Chùa cho biết.

Ði đầu trong phong trào khai hoang phục hóa có thể kể đến xã Xá Nhè. Trao đổi về những giải pháp và kết quả liên quan, ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhận thấy việc làm lúa nương không lâu dài, hiệu quả kinh tế lại thấp nên khoảng 10 năm trở lại đây xã tập trung vận động người dân khai hoang phục hóa để canh tác lúa nước, đào ao thả cá... Những hộ gia đình đầu tiên mạnh dạn bỏ tiền thuê máy xúc san ủi mặt bằng làm ruộng nước, như: ông Lờ A Tằng, Lờ A Sùng... đã có những thành quả trông thấy. Và cho đến nay, họ cũng như con cháu họ đều là những gia đình khá giả trong bản, trong xã. Khi thấy những cây lúa nhà ông Tằng, ông Sùng cứ mơn mởn xanh tốt, rồi trĩu bông nặng hạt, bà con trong bản, trong xã bắt đầu kéo nhau làm theo. Việc khai hoang phục hóa chính thức rộ lên và trở thành phong trào khoảng 5 năm trở lại đây. Có những thời điểm có gia đình bỏ hàng chục triệu đồng tiền công thuê máy xúc để san ủi đất dốc thành ruộng, thành ao...

Với mức tăng trưởng qua mỗi năm, năm 2017 Xá Nhè được huyện giao 60ha lúa nước, song trên thực tế xã thực hiện vượt chỉ tiêu 8ha (tăng 13,3%). Trong đó, xã đã thành công với mô hình vận động làm lúa vụ chiêm tại bản Lịch 1, với hơn 30 hộ dân tham gia khai hoang mới được 8,2ha. Ðể có được kết quả và sự đồng thuận cao đến vậy, Trưởng bản Vàng A Lếnh cho biết, đó là nhờ việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân. Ngoài ra, nhằm tạo động lực giúp bà con phấn khởi tham gia, Phòng NN & PTNT huyện đã hỗ trợ cho bản 2 chiếc máy phay, phục vụ sản xuất.

Trước những hiệu quả bước đầu, cũng như Xá Nhè, người dân các vùng trong huyện dần nhận thức cao hơn trong canh tác, sản xuất. Không chỉ đưa tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mà trước tiên, họ đã làm chủ mảnh đất của mình, biến khô cằn, sỏi đá và những mảnh nương cao bạc màu, thành đồng đất xanh tươi; nhiều diện tích đất dốc nay đã trở thành ruộng bậc thang hoặc nương có bờ, hướng tới canh tác bền vững. Ðặc biệt, người dân đã biết chuyển đổi các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương; trong đó có nhiều giống cây cải tạo đất tốt được đưa vào gieo trồng, như: ngô, đậu tương, sắn...

Năm 2017 này, có thể xem là một năm “hái quả ngọt” cho sản xuất nông nghiệp của Tủa Chùa, khi mà vượt qua những khó khăn, thử thách, những khô cằn, sỏi đá, địa phương đã khai hoang mới được 65ha lúa nước, với năng suất tăng 1 tạ/ha, sản lượng tăng 1,58% so với kế hoạch năm; trong đó, tăng chủ yếu là lúa chiêm, với 1,72%. Thông qua đó, nâng tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên 22.338 tấn, tăng 0,68% kế hoạch năm. Những con số khô cứng cũng như vùng đất Tủa Chùa, giờ đây đã mang màu sắc xanh tươi, như minh chứng: Tủa Chùa đẹp, song sẽ đẹp hơn khi núi đá phủ màu xanh!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top