Nông sản vùng cao thăng trầm theo giá

09:37 - Thứ Năm, 04/01/2018 Lượt xem: 5846 In bài viết
ĐBP - Vụ ngô xuân hè năm 2017, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên, năng suất trung bình đạt từ 28 - 35 tạ/ha, có những nơi đạt hơn 50 tạ/ha. Tuy nhiên, dù năng suất cao nhưng lợi nhuận thu về chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí nhiều hộ còn lỗ vốn. Bởi vì chi phí đầu tư cao, giá ngô tương đối cao chỉ được thời điểm đầu vụ thu hoạch, từ chính vụ đến cuối vụ giá liên tục giảm mạnh. Tại một số địa bàn có tình trạng thương lái độc quyền, ép giá khiến người dân phải bán ngô với giá rẻ.

Bà Lầu Thị Ly, bản Ðề Chia C, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) cho biết: Những năm gần đây, trồng ngô cho năng suất, sản lượng cao, năm sau tăng cao hơn năm trước nhưng lợi nhuận người dân thu về vẫn “dậm chân tại chỗ”, thậm chí có năm còn giảm đi. Hiện nay, chi phí đầu tư 1ha ngô khoảng 4 - 5 triệu đồng, bao gồm: Giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuê công làm đất, thu hoạch. Nếu gia đình chủ động được nguồn vật tư nông nghiệp, nhân lực “lấy công làm lãi” thì còn có ít lợi nhuận. Ðối với những hộ phải vay nợ vật tư, thuê lao động làm đất, thu hoạch ngô, cuối vụ may mắn thì hòa vốn, chứ không có lãi. Vụ ngô xuân hè năm 2017, gia đình tôi trồng 3ha, với giá bán 2.000 đồng/kg ngô bắp tươi, 3.000 đồng/kg ngô hạt thì lợi nhuận thu về rất thấp.

 

Ðiểm thu mua ngô lai bản Ðề Chia B, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo).

Nguyên nhân giá ngô xuân hè năm 2017 trên địa bàn huyện Tuần Giáo giảm mạnh được một thương lái (giấu tên) lý giải: Do giá ngô hạt ở thị trường Hà Nội giảm mạnh kéo theo giá thu mua ngô ở Tuần Giáo cũng giảm theo. Hiện nay, giá ngô hạt sấy khô 210 ở Hà Nội là 4.300 đồng/kg. Do đó, chúng tôi không thể thu mua ngô của bà con cao hơn mức giá 3.000 đồng/kg. Hơn nữa, ngô của người dân dù đã qua sơ chế, phơi nắng nhưng đến Hà Nội phải sấy thêm, tốn thêm chi phí nên thu mua giá cao hơn mức giá hiện tại thì chúng tôi sẽ phải bù lỗ.

Các xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Ðông là những địa bàn chiếm phần lớn diện tích ngô của huyện Tuần Giáo. Cây ngô vốn là nguồn thu nhập chính của người dân các xã này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây xảy ra tình trạng một số thương lái đầu vụ cho người dân vay vốn để trang trải chi phí đầu tư ban đầu, cuối vụ độc quyền thu mua và ép người dân bán ngô giá rẻ. Ông Nguyễn Như Chiến, Chủ tịch UBND xã Rạng Ðông cho biết: Nhiều hộ dân đầu vụ sản xuất vay mượn chi phí đầu tư của thương lái nên khi thu hoạch bắt buộc phải bán ngô cho người đã cho vay để trừ nợ. Không chủ động được chi phí sản xuất, bị ép giá nên lợi nhuận người dân thu được rất ít. Chính quyền xã biết tình trạng này từ nhiều năm nay, nhưng đây là giao dịch giữa người dân và 2 bên đều tự nguyện nên không thể can thiệp.

Tương tự cây ngô, đậu tương từng được xem là cây mũi nhọn của các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa nhưng do giá thành sản phẩm liên tục giảm kèm theo yêu cầu quy trình sản xuất khắt khe nên mấy năm gần đây, người dân không còn mặn mà trong việc trồng, phát triển cây đậu tương. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo: Năm 2010 huyện có 3.000ha, năm 2014 giảm còn 571ha, năm 2015 tiếp tục giảm còn 451ha, đến năm 2017 chỉ còn khoảng 200ha. Nguyên nhân khiến ngày càng ít hộ nông dân trồng đậu tương là do chi phí đầu tư cao hơn các loại cây trồng khác như ngô, sắn, dứa, mía…

Ông Vừ Thái Hòa, bản Ðề Chia A, xã Pú Nhung cho biết: Từ năm 2010 trở về trước, năm nào gia đình tôi cũng trồng khoảng 1.500 - 2.000m2 đậu tương. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy sản xuất đậu tương mất nhiều công lao động, chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cao nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp nên tôi chuyển dần sang trồng ngô và sắn. Năng suất trung bình 1ha đậu tương đạt từ 1,3 - 1,5 tấn sẽ cho tổng thu khoảng 22 - 25 triệu đồng. Song để có lãi thì mỗi héc ta đậu tương phải đạt giá trị khoảng 28 - 30 triệu đồng, nghĩa là năng suất đạt từ 2 tấn trở lên. Ngoài ra, nếu thu hoạch gặp mưa, đậu tương dễ bị thối. Do đó, hiện nay, tôi đã chuyển 100% diện tích trồng đậu tương sang trồng ngô.

Năm 2017, trong khi một số mặt hàng nông sản chung hoàn cảnh “được mùa mất giá” thì dứa Mường Chà vẫn cho thu nhập cao với mức giá khá ổn định. Từ việc chỉ được trồng rải rác trên địa bàn từ năm 2008, đến nay toàn huyện Mường Chà có 177ha dứa, tập trung tại các xã: Mường Mươn, Na Sang, Huổi Lèng, Ma Thì Hồ. Với giá bán ổn định từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, nông dân Mường Chà thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha dứa. Hiện nay, huyện Mường Chà đã thành lập được 2 HTX sản xuất dứa: HTX Sa Lông và HTX Na Sang. Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất dứa theo chuỗi liên kết doanh nghiệp, hướng đến việc phát triển cây dứa chất lượng, bền vững.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top