TP. Ðiện Biên Phủ

Kết quả bước đầu trong đào tạo nghề

08:48 - Thứ Sáu, 05/01/2018 Lượt xem: 5595 In bài viết
ĐBP - Năm 2017, UBND TP. Ðiện Biên Phủ đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn trong công tác đào tạo nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ đó, năm qua thành phố đã tạo được việc làm mới cho 2.234 lao động, đạt 102% kế hoạch giao.

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Thực hiện Quyết định số 1956/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, năm 2017, TP. Ðiện Biên Phủ đã tiến hành khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, triển khai cụ thể đến từng tổ dân phố, bản và hộ gia đình. Trên cơ sở nhu cầu học nghề thực tiễn của người dân, các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, lựa chọn tổ chức các lớp dạy nghề sát với nhu cầu thực tế nhằm tăng hiệu quả đào tạo. Trong năm 2017, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có hơn 3.000 lượt lao động tham gia các buổi tư vấn về chọn ngành, nghề đào tạo và việc làm sau học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề.

 

Ðược học nghề và vay vốn để phát triển dịch vụ giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định.

Ðối với các ngành nghề: sửa chữa điện, điện lạnh, gò hàn, chăn nuôi, trồng trọt (trồng rừng, trồng cây công nghiệp, trồng rau xanh)... qua khảo sát có trên 80% người tham gia học và có việc làm. Ngoài ra, một số ngành nghề phi nông nghiệp cũng bước đầu mang lại hiệu quả. Ðơn cử như lớp đào tạo phát triển du lịch cộng đồng do Trung tâm Giới thiệu việc làm phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên tổ chức cuối năm 2016 cho 40 phụ nữ các bản: Him Lam 1, 2; Noong Chứn, Thanh Trường... tham gia. Chị em được hướng dẫn các kỹ năng làm du lịch trong đó có nội dung dạy chế biến các món ăn dân tộc, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; kỹ năng phục vụ trong nhà hàng, khách sạn... Khi lớp học kết thúc, 100% học viên đều tìm được việc làm phục vụ, chế biến thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm qua, thành phố đã triển khai và thực hiện đào tạo gần 20 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Với tiêu chí: học đi đôi với hành, học viên được thực hành ngay trên lớp và các mô hình thực tế tại phố, bản. Sau học nghề, nhiều lao động mạnh dạn đầu tư vốn, giống, xây dựng mô hình nuôi trồng chất lượng cao, như: nuôi gà lương phượng, gà thả đồi, gà Ðông Tảo ở phường Nam Thanh... giúp nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Mô hình trang trại của anh Lò Văn Ọi, bản Nà Nghè, xã Tà Lèng là một điển hình cho sự thành công của công tác đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Cuối năm 2013, anh Ọi đăng ký học nghề sửa chữa xe máy 3 tháng. Sau khi học nghề xong anh Ọi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, nuôi gà, trồng thanh long và chanh đào, cùng với nghề phụ sửa chữa xe máy tại nhà. Ðến nay, mỗi năm trừ chi phí, anh Lò Văn Ọi thu 100 triệu đồng. 

Tạo điều kiện để “học nghề đi đôi với lập nghiệp”, thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải quyết cho trên 300 lao động được vay vốn với số tiền trên 6 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ. Hiệu quả bước đầu của việc kết hợp dạy nghề, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố đã giúp hàng nghìn lao động có việc làm, nâng cao thu nhập.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top